Dân Việt

Không để biến tích tụ đất thành... sân golf, nhà máy

Huỳnh Xây - Chúc Ly 17/03/2017 09:41 GMT+7
Nhiều hộ dân, ngành chức năng và nhà khoa học vùng ĐBSCL cho rằng, việc cho bỏ hạn điền, tích tụ ruộng đất phục vụ cho sản xuất quy mô lớn là rất cần thiết và là đòi hỏi cấp bách nhằm đổi mới nền nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, cần giám sát chặt chẽ quá trình tích tụ, không để đất nông nghiệp biến thành… sân golf, nhà máy hay khu nghỉ dưỡng.

Vừa mừng, vừa lo

Ông Nguyễn Văn Thành - ngụ ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) cho biết, lâu nay, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên thu nhập từ nghề làm ruộng không ổn định và luôn thấp. Làm ruộng luôn gặp nhiều rủi ro bởi thời tiết, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao do giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tiền thuê nhân công tăng liên tục.

img

Ông Trần Văn Đường (ngụ xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) chỉ có 4.000m2 đất ruộng nên cuộc sống rất khó khăn.  Ảnh: H.X

“Đề nghị, các cơ quan chức năng cần có cách kiểm soát tốt, tránh tình trạng sau khi doanh nghiệp thuê đất, tích tụ đất lại đẩy người dân đi nơi khác. Luật Đất đai tới đây cũng phải sửa cho phù hợp với tình hình sản xuất mới và chính sách tích tụ ruộng rất, bỏ hạn điền và tiến tới giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người dân thì doanh nghiệp mới dám đầu tư lớn”.

GS - TS Võ Tòng Xuân  

“Trước đây, tôi có 3ha lúa, mỗi vụ tôi chỉ thu lợi từ 2-2,5 triệu đồng/ha/vụ. Hiện nay, diện tích trên đã tăng lên 4,2ha, thu lợi bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/ha/vụ” – ông Thành chia sẻ. Với những thay đổi về khoản thu nhập trên, ông Thành cho rằng, chủ trương tích tụ ruộng đất, tức chuyển nhiều diện tích nhỏ thành một khu vực lớn, liền thửa là rất ý nghĩa, giúp người dân sản xuất thuận lợi, cũng như có thể áp dụng những mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao hơn.

Mặc dù vậy, ông Thành cũng bày tỏ lo lắng: “Người dân ĐBSCL vốn có ít đất, cuộc sống hàng ngày dựa vào mảnh đất nên khi tích tụ hay cho thuê, họ rất lo thiệt hại về sau. Tâm lý chung của người dân là chưa thấy hiệu quả thực tế sẽ không tin tưởng. Hợp tác xã trồng lúa ở địa phương cũng thành lập lâu rồi nhưng vẫn không thể “xoá” ranh giới giữa những thửa đất đi để làm chung một diện tích lớn. Ngoài ra, hiện nay giá cả đầu ra nông sản nói chung và cây lúa nói riêng chúng ta chưa làm chủ, chưa dự báo hay quản lý được. Khi nào 2 khía cạnh này được vạch ra rõ ràng, an toàn thì người dân vui mừng chấp hành những định hướng của Nhà nước”.

Theo ông Lê Văn Hải (thị trấn Thạnh An), ông rất mừng khi được biết Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm, có nhiều giải pháp và định hướng giúp nông dân cải thiện đời sống từ việc tích tụ, tập trung ruộng đất. Ông Hải nói: “Diện tích đất nhỏ sẽ rất khó áp dụng cơ giới hóa vì không sản xuất được cùng loại giống, thu hoạch khác thời điểm. Khi có cánh đồng rộng lớn, việc canh tác, thu hoạch sẽ dễ dàng hơn, nhất là khi có cả tập thể cùng giải quyết”.

Cũng như ở TP.Cần Thơ, người dân trồng lúa ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang rất trông đợi những quyết sách mới của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với những bước đột phá trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, hạn điền, giúp người dân tích tụ ruộng đất thuận lợi để tiến tới làm ăn lớn, thay đổi tập quán sản xuất. Lão nông Trần Văn Đường (ngụ xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi có 4.000m2 đất trồng lúa, làm suốt năm nhưng chỉ đủ ăn, phải đi làm thuê thêm mới đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình, cho con cái ăn học. Khi nghe truyền hình, báo đài thông tin nhiều về việc tích tụ ruộng đất, tôi thấy rất hay nhưng không khỏi lo lắng bởi chưa biết việc triển khai cụ thể sẽ như thế nào”.

Còn ông Trần Văn Ngỗ - Giám đốc Hợp tác xã Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cho rằng: “Việc tập trung ruộng đất để sản xuất trong một tập thể là hướng đi cần thiết. Bằng chứng là đối với những hộ chỉ có vài công đất, mỗi năm sản xuất lúa thì chỉ đủ ăn. Nhưng nếu cho hợp tác xã hoặc một tổ chức nào đó thuê lại để sản xuất tập trung thì nông hộ không những vẫn giữ được đất mà còn nhận được tiền cho thuê, bên cạnh đó bà con vẫn có thời gian để đi làm việc khác hoặc làm thuê tại chỗ trên chính thửa ruộng của mình”.

Nhà nước phải tham gia giám sát

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển Nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: Lối thoát của sản xuất lúa gạo Việt Nam là phải đi theo hướng tích tụ, tập trung ruộng đất, không thể để sản xuất manh mún như hiện nay. Tuy nhiên, việc làm trên phải thực hiện trong một giới hạn nào đó và phải có giải pháp căn cơ, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lấy nông nghiệp của dân để kinh doanh lĩnh vực khác.

“Doanh nghiệp có vốn, với chính sách tích tụ ruộng đất, họ sẽ vào thuê đất của dân thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không thể không lo đến việc doanh nghiệp nhảy vào vùng đất màu mỡ trên làm một thời gian rồi nói thua lỗ, sau đó xin chuyển mục đích sử dụng, làm sân golf, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… Nếu xảy ra, lúc đó giành lại đất nông nghiệp không hề dễ dàng” – PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ phân tích.

Để mọi việc thuận lợi, theo PGS Đệ, trước khi thuê đất của người dân, ngành chức năng phải cho doanh nghiệp cam kết chỉ được sử dụng cho mục đích nông nghiệp, không được chuyển đổi. Đồng thời, doanh nghiệp phải lo cho nông dân việc làm để họ mưu sinh.

GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp cũng khẳng định: “Chủ trương trên sẽ giúp nâng cao năng suất nông sản, chất lượng sản phẩm đồng đều và hạ giá thành sản xuất. Qua đó, xây dựng được thương hiệu, thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân”.

Tuy nhiên, GS Xuân cho rằng, các cơ quan chức năng phải bàn với doanh nghiệp làm sao để khi tích tụ ruộng đất thì người dân vẫn có một phần trong khu đất lớn này và họ có thể làm công nhân hoặc là thành viên. Với cách này, nông dân sẽ có việc làm, nhà đầu tư sẽ có miếng đất lớn.