Thượng tướng Võ Trọng Việt băn khoăn: “Nói rừng vàng nhưng người dân ở đó nghèo. Rừng ở trên cao nhưng chính sách đầu tư ở dưới thấp nên nghèo. Ta xem lại thì chủ yếu lấy của rừng về chứ đưa lên rừng được bao nhiêu. Tôi sang Lào họ nói câu đơn giản là chặt một cây thì trồng một cây, còn ở ta có khi chặt 5 cây trồng 1 cây, bao nhiêu gỗ quý, thú quý, khoáng sản quý ở rừng lấy hết!”.
Thượng tướng Võ Trọng Việt.
"Tôi đi cả nước rồi, nghiêm túc mà nói cơ bản rừng đã phá hết, chúng ta nói mấy chục phần trăm che phủ nhưng đó là rừng trồng mới đây. Có đồng chí lãnh đạo nói rất là đúng, đi bên ngoài thấy rừng xanh tốt, nhưng bên trong rừng "viên đại tràng" nặng rồi" - ông Việt cho biết.
Nói về chính sách phát triển rừng, tướng Việt nói: Ông cha ta nói "tam sơn, tứ hải, nhất phần điền", nhưng lâu nay ta chỉ quan tâm “nhất phần điền”, sinh ra nhiều đại gia để khai thác làm giàu cho đất nước. Còn “tam sơn tứ hải” thì ít đại gia mà đại ca nhiều. Toàn đại ca phá rừng, đại ca cướp biển, do đó phải làm sao tăng đại gia mà ít đại ca thì đất nước mới giàu.
"Đây là thực trạng nếu không điều chỉnh, theo kỷ luật thì sẽ phức tạp ” - tướng Việt bày tỏ.
Nhấn mạnh có thời gian một số địa phương lợi dụng chuyển đổi rừng để... phá rừng, Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu quan điểm phải có sự thẩm định của cơ quan cấp trên. “Ví dụ, tỉnh muốn chuyển đổi mục đích rừng, giao khoán thì theo quy định của luật này là phải được Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định, thế mới giám sát được nhau. Còn luật cứ đưa, thẩm quyền cứ làm mà sai thì cứ sai, không quản lý được” - tướng Việt nói.
Liên quan đến cơ chế, chính sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, nếu quy định như hiện tại thì kiểm lâm vẫn “lực bất tòng tâm” trước lâm tặc.
Nói về điều tra, khảo sát rừng, ông Việt cho hay: “Các kỹ sư đào tạo 4-5 năm về điều tra rừng nhưng thua mấy ông lâm tặc dù họ không học. Tôi thấy lạ có đoàn kiểm lâm kể cả có sự tham gia của bộ đội biên phòng, có máy móc định vị đi vào rừng vẫn bị lạc. Còn mấy ông lâm tặc chân đất, nghe có cây đó không biết ở tọa độ nào nhưng vẫn tìm đến để chặt đưa về ở vị trí này, vị trí kia, họ tính toán rất chi li chặt và mang về trong mấy ngày, đi không bị lạc".
Theo tướng Việt, cơ chế quản lý, trao quyền cho kiểm lâm là chưa ổn, cần ban hành quy định trao quyền mạnh hơn. "Tôi biết Chính phủ rất ủng hộ vấn đề này. Có những thời kỳ lộng hành, nhiều người bị hy sinh. Luật mới quy định giao súng quân dụng cho kiểm lâm. Nếu để “lâm tặc” lộng hành thì có tội với dân, với đất nước. Tôi trăn trở suy nghĩ về vấn đề này" - Thượng tướng Võ Trọng Việt nói.