Dân Việt

“Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa”: Báo NTNN từng cảnh báo về dự án

Vinh Hải 18/03/2017 06:20 GMT+7
Liên quan vụ việc “Chủ tịch và nhiều lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa vì đề nghị dừng dự án khai thác cát”, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) thừa nhận việc nhà thầu thi công nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu chưa có kinh nghiệm tham gia các dự án tương tự.

Bất cập nhìn thấy trước

Hơn 2 năm trước, Báo NTNN - Dân Việt đã có bài viết cảnh báo về dự án nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, bài báo đã phản ánh những thông tin dự án nạo vét sông Cầu nhưng phía sau đó có thể là hành vi khai thác tận thu cát.

img

Tỉnh Bắc Ninh lo ngại dự án nạo vét luồng và tận thu cát sẽ tiếp tục làm sạt lở bờ đê sông Cầu. Ảnh: V.H

Quan điểm của tỉnh Bắc Ninh là ngăn chặn bằng được các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của người dân”. 

Ông Nguyễn Hữu Thành  -
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh
 

Theo bài báo, ngày 28.1.2015, Cục Đường thuỷ nội địa ký hợp đồng với nhà thầu là Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu (thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thuỷ nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm với tổng chiều dài hơn 5km trên sông Cầu (thuộc địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Theo hợp đồng này, khối lượng nạo vét khoảng 146.000m3 (sản phẩm gồm cát, đá, sỏi...) và nhà thầu được sử dụng “tận thu” các sản phẩm dưới đáy sông.

Biện pháp thi công của nhà thầu là “sử dụng tàu cuốc với công suất khai thác 100m3/giờ”. Nhưng theo phản ánh của người dân địa phương ở thời điểm đó, các tàu hút hoạt động suốt ngày đêm...

Thậm chí, những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 này, UBND huyện Quế Võ cho biết tàu cuốc của dự án nạo vét lòng sông Cầu vẫn hoạt động trên địa bàn giáp ranh 3 xã của huyện Quế Võ từ ngày 26.2 – 12.3. Cụ thể, tại địa bàn xã Việt Thống, từ km 65- km66+500 đê Hữu Cầu có 20 – 25 tàu/ngày; tại xã Quế Tân, từ km 73 – km73+500 có số lượng từ 13 – 15 tàu/ngày; tại xã Phù Lãng từ km 01 – km02+500 đê 3 xã có 20 – 25 tàu/ngày.

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, quá trình triển khai dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đã bị lợi dụng để khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân. Cát tặc lộng hành và ảnh hưởng của việc nạo vét trong dự án đã làm đê hữu sông Cầu bị đứng, địa phương phải chi 30 tỉ đồng để khắc phục.

Bất nhất giữa địa phương và Bộ GTVT

img

Bài báo của NTNN phản ánh về dự án, ngày 14.8.2015.

Trao đổi với phóng viên NTNN - Dân Việt, ông Trần Văn Thọ - Cục Phó cục Đường thủy Nội địa cho biết, khi dự án nạo vét được thực hiện phải có đơn vị tư vấn giám sát ở đó, thời gian thi công chỉ được làm từ 6 – 18 giờ, tất cả phương tiện thi công phải được Cục Đường thủy nội địa chấp thuận trên cơ sở phương tiện phải có đăng ký, đăng kiểm (có thời hạn), phải treo biển trên phương tiện thi công phục vụ dự án. “Tư vấn giám sát phải giám sát việc doanh nghiệp thi công, chứ Cục Đường thủy không thể có đủ người để cắt cử ở từng dự án để giám sát doanh nghiệp” – ông Thọ cho hay.

Ông Thọ cũng thừa nhận việc nhà thầu thi công nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu chưa có kinh nghiệm tham gia các dự án tương tự.

Thế nhưng, theo UBND tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2015 tỉnh đã không cấp phép cho đơn vị nào thực hiện dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu cát, sỏi... Tuy nhiên, từ tháng 11.2016 đến nay, trên địa bàn sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện lại việc thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm gây bức xúc cho nhân dân trong tỉnh, gây mất an ninh tại nhiều xã trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Có những ngày hơn 40 tàu hút hoạt động, cả ngày lẫn đêm. Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định: “Toàn tuyến sông Cầu không có đoạn cạn theo quy định, không có phương tiện thủy nội địa mắc cạn nếu đi đúng trọng tải và đúng luồng”.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa, trong năm 2016, dự án tạm dừng thi công từ ngày 11.3 đến ngày 30.11 theo đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh để đo đạc kiểm tra đánh giá lại sự cần thiết của việc khơi thông luồng tuyến của dự án. Kết quả đo ngẫu nhiên 4/11 đoạn cạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh (do đơn vị đo đạc độc lập là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Đông Bắc thực hiện bằng máy đo sâu, hồi âm vào ngày 9.1 với sự chứng kiến của một số sở, ngành của địa phương) cho thấy, có 3 đoạn thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh là km7+350-km7+575, km8+325-km8+450, km10+300-km 10+625 chưa đạt chuẩn tắc luồng chạy tàu theo thiết kế.

Trước đó, kết quả đo vào tháng 10.2016 tại 7 đoạn cạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và 5 đoạn thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng cho thấy các đoạn trên chưa đạt chuẩn tắc thiết kế.