Trong sơ cứu, người ta để chỗ bị phỏng dưới vòi nước lạnh cho đến khi sức nóng giảm và những lớp da không còn bị cháy, rồi bôi lòng trắng trứng lên.
Có người bị phỏng nước sôi gần hết bàn tay. Mặc dù rất đau rát nhưng sau khi để tay dưới vòi nước lạnh, đập hai quả trứng lấy lòng trắng ra đánh lên một chút và ngâm tay vào thì vết phỏng rất mau lành, không để lại sẹo.
Một bạn đọc
- Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết:
Phỏng nước sôi thường phỏng nông chứ không phải tổn thương phỏng sâu. Phỏng nông chỉ cần dùng nước lạnh thông thường tưới lên vùng phỏng, vết phỏng có thể tự lành. Còn khi vết phỏng sâu cần được bác sĩ cắt bỏ những phần hoại tử, ghép da cho bệnh nhân.
Cách rửa vết phỏng bằng nước lạnh dù phỏng nông hay sâu sẽ giúp người bị phỏng giảm đau, giảm phù nề, giảm nhiệt độ tiếp xúc ngoài da. Tuy nhiên, cần lưu ý không được bôi bất cứ chất gì lên chỗ phỏng nếu như chưa làm sạch vết thương phỏng, vì nếu không có thể làm nhiễm trùng vết phỏng.
Trong trường hợp phỏng sâu mà đắp trứng gà lên còn làm phức tạp thêm trong quá trình chăm sóc vết phỏng. Khi điều trị, các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ màng này thì thuốc mới ngấm xuống. Chưa kể nếu quá tin tưởng vào cách điều trị phỏng bằng lòng trắng trứng gà, người bị phỏng sẽ bỏ lỡ thời gian đến bệnh viện để được điều trị sớm, đúng cách.
Không phải người bệnh nào cũng phân biệt được phỏng nông hay phỏng sâu, do vậy với những bệnh nhân bị phỏng, cách tốt nhất là nên đưa bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời.