Dân Việt

Khai thác cát lòng sông tràn lan đe doạ đê điều, hệ sinh thái

Phạm Hương 18/03/2017 07:10 GMT+7
Khai thác quá mức lượng cát trên sông dẫn đến sạt lở bờ, ảnh hưởng đời sống người dân và cả hệ sinh thái thủy sinh. Chuyên gia cảnh báo tài nguyên này sẽ cạn kiệt trong tương lai.

Tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị không cho tiếp tục triển khai dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu cát trên sông Cầu. Lý do là quá trình triển khai dự án này đã diễn ra tình trạng khai thác cát khiến đê hữu Cầu, bờ, bãi sông bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi 5 đến 10m.

Theo các nhà khoa học, không riêng sông Cầu, hoạt động khai thác cát tràn lan đã diễn ra trên nhiều dòng sông khác nhau và đã được cảnh báo từ rất lâu. Cát không đơn thuần là vật liệu xây dựng mà có vai trò quan trọng trong kiến tạo đồng bằng, ổn định lòng và bờ sông. Cát còn tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh.

img

Dự án nạo vét luồng đường thuỷ kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu (Bắc Ninh). Ảnh: Bá Đô

Thông thường cát, sỏi được nạo vét từ lòng sông phục vụ xây dựng, đảm bảo tàu thuyền đi lại thuận tiện trên sông. Nhưng theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên-Môi trường), việc hút cát quá mức đã khiến một vài nơi trên sông Hồng và các sông dọc Bắc - Nam bị hạ thấp và giảm mực nước.

Theo ông, nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm, đồng thời độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn.

Lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán; một số cây trồng ở bai bên có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Hạ thấp mực nước ngầm còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Ngoài ra, dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng.

Ông Ca cho hay, hút cát còn phá hoại hệ sinh thái dưới lòng sông và tăng độ đục ở khu vực khác. "Việc thô hóa lòng sông và thay đổi chế độ chảy cũng ảnh hưởng tới việc săn mồi, phát triển, đẻ trứng và nuôi dưỡng các con non của động vật thủy sinh", ông nói.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ (Mạng lười sông ngòi Việt Nam) cũng cho rằng việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông, khiến bờ sông không ổn định dẫn đến xói lở. Thực trạng này đang diễn ra tại sông Hồng. Do dòng sông bị xói sâu ở một điểm, lượng cát từ thượng nguồn về sẽ đọng lại ở đây mà không chuyển được về cho hạ du. Lúc này dòng chảy sẽ lấy cát từ chỗ khác của lòng sông để bổ sung và tiếp tục bị xói. Trường hợp có lũ lớn, hiện tượng sạt lở càng nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa hệ thống đê điều.

Một số nhà khoa học khác cho rằng, khai thác cát, sỏi tại lòng sông gây ra mất ổn định của các công trình trên bờ sông hoặc trên sông như cầu, cống.

img

Đoạn sông Cầu (đoạn qua Bắc Ninh) đang diễn ra việc khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: BĐ-QC

Không chỉ đồng bằng sông Hồng, tại các con sông ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đang diễn ra thực trạng tương tự. Hiện hơn 1/2 chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở, tương đương hơn 300km. Nguyên nhân là tổng lượng phù sa sông Mekong giảm một nửa và hoạt động khai thác cát tràn lan trên các sông.

Chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện cho biết, hệ quả của việc khai thác cát khiến đáy sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3 mét, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra "hàm ếch" rộng, gây sạt lở bờ sông và bờ biển. Về lâu dài nó còn đe dọa nhiều công trình cầu lớn bắc qua các con sông.

Trong tương lai, khi có 11 đập ở vùng hạ lưu sông Mekong gồm 9 đập ở Lào và 2 ở Campuchia, các nghiên cứu đều khẳng định lượng cát về đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị sụt giảm cực kỳ nghiêm trọng. Lúc này chỉ còn lượng cát có từ trong quá khứ và dần chúng cũng sẽ hết. "Cát là một phần lãnh thổ của quốc gia, mất cát tức là lãnh thổ quốc gia đang thu hẹp dần", ông Thiện cảnh báo và cho rằng Việt Nam nên dừng khai thác cát để bán sang Singapore.

Để giải quyết tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đánh giá tổng thể trên tất cả dòng sông khắp đất nước, chứ không riêng rẽ của địa phương nào, rồi mới tính đến việc khai thác thế nào để không gây ảnh hưởng và làm mất đi tài nguyên quý.

Các trường hợp nạo vét thông luồng tàu cần được đánh giá rất nghiêm túc, đảm bảo chỉ nạo vét vừa đủ và không làm lộ ra những khu vực nước nông khác.

Các chuyên gia cũng đề nghị quy trách nhiệm rõ ràng đối với bộ ngành, địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát vượt giới hạn cho phép, gây hậu quả tai hại cho môi trường sinh thái các dòng sông.