Dân Việt

Clip: Mưa đá xuất hiện ở Lào Cai và Điện Biên

DV (tổng hợp) 18/03/2017 07:44 GMT+7
Hôm qua (17.3), một số xã thuộc Điện Biên và Lào Cai đã có mưa đá kéo dài, hạt đá phổ biến bằng hạt ngô.

Theo Dân Trí: Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, hồi 19h30 ngày 17.3, ở vùng cao biên giới khu vực Ý Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) đột ngột xuất hiện mưa đá hạt to hơn hạt ngô, kéo dài trong khoảng 20 phút.

Những du khách miền xuôi lên thăm vùng du lịch Ý Tý có độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển, đã chứng kiến hiện tượng mưa đá rơi trắng mặt đường khu vực trung tâm xã Ý Tý.

Mặc dù mưa đá kéo dài khoảng hơn 20 phút nhưng do hạt mưa đá không to lắm nên khi rơi xuống mặt đất đã tan nhanh, không gây thiệt hại cho con người, tài sản và sản xuất.

img

Hạt mưa đá to hơn hạt ngô, rơi trong khoảng 20 phút. Ảnh: Dân Trí

Theo VNE: Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai cho biết, mưa đá xuất hiện ngày 17.3 ở ba điểm là thị trấn Sa Pa (từ 17h đến 17h05), đỉnh Fansipan (16h20 đến 16h40) và xã Y Tý (19h30 đến 19h50).

"Tác động của hội tụ gió trên cao kết hợp không khí lạnh tăng cường đã gây mưa rào diện rộng ở Lào Cai và các tỉnh vùng núi khác, một số nơi có mưa đá", ông Hải giải thích.

img

Mưa đá tại xã Y Tý. Ảnh: Báo Lào Cai

Tại Fansipan đây là trận mưa đá thứ hai trong năm, lần thứ nhất vào chiều 3/2 mưa đá có mật độ dày, phủ kín mặt đất.

Không chỉ ở Lào Cai, khoảng 15h ngày 17.3, tại các xã thuộc huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) như Pú Hồng, Mường Luân, Phì Nhừ cũng có mưa đá khoảng 30 phút, với mật độ khá dày, phủ trắng mặt đất.

img

Mưa đá rơi với mật độ dày khiến một số gia cầm bị chết. Ảnh: Phương Dung/VNE

Dù không gây thiệt hại về người, nhưng mưa đá kèm gió lớn khiến một số nhà ở Điện Biên bị tốc mái và hư hỏng; nhiều gia súc, gia cầm bị chết.

Tại Việt Nam, mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi, còn ở đồng bằng thì ít hơn. Hiện tượng này thường hay hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4, 5 và 6) hoặc giữa mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9, 10 và 11).

Vào các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phần tử không khí ở hai khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Sự giao tranh tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây ra mưa rào và giông mạnh, kèm theo mưa đá.

Clip: Trận mưa đá hồi đầu tháng 2 ở Fansipan. Nguồn: VNE