Dân Việt

“Cởi trói” hạn điền: Rời bỏ ruộng đất nông dân vẫn có "lương" ổn định

Lương Kết 20/03/2017 13:30 GMT+7
“Đi đôi với việc mở rộng hạn điền để tích tụ đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì Nhà nước cần phải chú ý đảm bảo an sinh xã hội...”

 PGS-TS Hoàng Văn Cường– đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân Việt.

Mới đây, Chính phủ đã có nghị quyết để rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III.2017. Ông đánh giá thế nào về chỉ đạo này?

- Có thể thấy nút thắt lớn nhất và cơ bản nhất hiện nay chính là vấn đề tích tụ đất đai. Nếu không tích tụ được đất đai mà cứ để phân tán, manh mún, bên cạnh đó là thời hạn sử dụng đất không ổn định lâu dài thì rất khó có thể chuyển nền nông nghiệp sang mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại, theo hướng phát triển bền vững.

Việc Chính phủ ra nghị quyết rà soát chính sách đất đai và đề xuất với Quốc hội để sửa đổi các quy định luật pháp theo hướng mở rộng chính sách về hạn điền, tôi cho rằng đó là một trong những con đường cơ bản thúc đẩy việc tích tụ đất đai để thay đổi căn bản mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp.

Mặc dù chủ trương về xây dựng cánh đồng lớn, chủ trương về tích tụ ruộng đất cũng đã được Chính phủ đặt ra nhiều năm nay, tuy nhiên kết quả đạt được trên thực tế còn hạn chế. Lý do ở đây là do hai yếu tố. Thứ nhất là quy định về hạn điền, nghĩa là giới hạn diện tích nhận chuyển nhượng đã cản trở các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không có diện tích đất đai đủ lớn để tiến hành sản xuất trên quy mô lớn tương xứng với đầu tư kỹ thuật và công nghệ hiện đại.

Vấn đề thứ hai là giới hạn về thời gian cho thuê đất giữa những người nông dân hoặc giữa nông dân với doanh nghiệp chưa tạo cơ sở pháp lý cho niềm tin ổn định, lâu dài đối với người đầu tư sản xuất cũng như những người dân muốn thay đổi nghề nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, không trực tiếp sử dụng ruộng đất nhưng vẫn có những đắn đo, không muốn trao đất cho người khác quản lý, sử dụng sản xuất lâu dài.

img

  Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (phải) thăm xưởng sơ chế chuối xuất khẩu của nông dân Võ Quan Huy (Đức Huệ, Long An). Ông Huy hiện có trang trại chuối rộng hơn 70ha.   ảnh: H.D

Như vậy, để tích tụ đất đai, sản xuất lớn, mở rộng hạn điền, ông có nghĩ tâm lý “giữ ruộng” của người nông dân là một trở ngại lớn?

- Đúng là tâm lý của người nông dân ở nước ta là tâm lý sở hữu đất đai, đó là ước mơ ngàn đời; họ có thể không cần sử dụng đất, thậm chí để hoang, nhưng đặt vấn đề họ có chuyển nhượng mảnh ruộng đó không phải là chuyện đơn giản. Người nông dân thường có tâm lý sở hữu ruộng đất phòng khi bất trắc nên họ không dễ gì từ bỏ đất đai nếu không có một cơ sở kinh tế đảm bảo cuộc sống ổn định. Với tâm lý đó nên người nông dân chưa sẵn sàng góp đất đai vào sản xuất tập thể, góp cổ phần vào cho doanh nghiệp.

Song song với những biện pháp mà Nhà nước đang tiến hành để thúc đẩy tích tụ ruộng đất thì cũng rất cần phải có những biện pháp mạnh hơn đối với những người không có nhu cầu sử dụng đất và thực tế không sử dụng đất nhưng không ủng hộ chủ trương tích tụ đất đai, không sẵn sàng đưa đất đai vào sản xuất. Biện pháp cần tính tới có thể là chính sách thuế, có thể đánh thuế cao với những người giữ đất ruộng nhưng bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.

Còn nếu nông dân tích cực hưởng ứng tích tụ ruộng đất, theo ông cần phải có thêm chính sách gì để nông dân không bị thiệt thòi ?

- Đúng là phải có những chính sách để đảm bảo an sinh xã hội và ổn định cuộc sống cho những người nông dân góp đất hoặc rời bỏ ruộng đất. Theo tôi, Nhà nước cần phải tạo ra  cơ hội việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho những người nông dân có mong muốn, có khả năng, có điều kiện để rời bỏ ruộng đất chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Cũng có thể phải có các chương trình đào tạo người nông dân để họ quay trở lại làm cho những doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất của họ.

Đối với những nông dân không có khả năng chuyển đổi nghề, không có khả năng tiếp tục làm nông nghiệp, nên tạo điều kiện khuyến khích họ trả lại đất đai cho Nhà nước  hoặc khuyến khích họ giao mảnh đất đó cho những người sản xuất lớn, làm ăn hiệu quả hơn. Sau đó họ được nhận khoản thu nhập ổn định hàng tháng tương xứng với phần đất đai họ đã đóng góp cho doanh nghiệp hoặc trả lại cho nhà nước. Tôi nghĩ nếu chúng ta thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như thế thì người nông dân khi rời bỏ đất đai  vẫn có được cuộc sống ổn định.

Việc nông dân trả lại đất cho nhà nước để được hưởng phúc lợi xã hội, cho thuê đất, góp đất như dạng đóng cổ phần thậm chí cho chuyển nhượng đất... tất cả những hình thức như vậy nên khuyến khích. Con đường nào người nông dân thấy có lợi hơn, đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định hơn, đó là việc các nhà hoạch định chính sách phải lựa chọn”.
PGS - TS Hoàng Văn Cường

Theo kinh nghiệm xây dựng cánh đồng lớn ở một số địa phương, họ không khuyến khích nông dân chuyển nhượng đất mà khuyến khích cho thuê đất, góp đất với nhà đầu tư để sản xuất, ông có đánh giá gì?

- Đó là những cách làm rất hay, người nông dân có thể không chuyển nhượng đất, họ chỉ đóng góp đất như dạng góp cổ phần vào cho nhà đầu tư để sản xuất nông nghiệp và được hưởng lợi từ khoản đóng đó.

Người nông dân có thể cho thuê lại đất, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu và khả năng đầu tư phát triển sản xuất. Đó cũng là cách để đảm bảo rằng người nông dân khi rời bỏ ruộng đất nhưng họ vẫn có phần thu nhập ổn định. Tuy nhiên, giữa những người nông dân đứng ra thuê lại đất của nhau hoặc giữa những người nông dân góp đất lại cho doanh nghiệp thuê cần phải có khuôn khổ pháp lý đảm bảo cho các quan hệ đó ổn định và minh bạch.

Hiện nay chúng ta chưa có những khuôn khổ pháp lý để nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thuê đất một cách ổn định lâu dài, không phải thuê 5 năm, 10 năm  mà phải thuê 50 năm đến cả trăm năm mới yên tâm cải tạo đồng ruộng và đầu tư máy móc thiết bị, hạ tầng kỹ thuật.

Chúng ta cũng cần có cơ sở pháp lý và tạo cơ chế để người nông dân đóng góp đất đai vào đó như dạng cổ phần vĩnh viễn trong doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông! /.