Dân Việt

Dự án nạo vét, hút cát trên sông: Quản lý chồng chéo, khó nắm mục đích

Tuần qua, dư luận nóng lên việc “Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa” sau khi yêu cầu dừng dự án nạo vét, khai thác cát trên sông Cầu. Xung quanh vụ việc này, trao đổi với NTNN, GS-TSKH Phạm Hồng Giang - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đã chỉ ra những mặt trái của việc nạo vét luồng lạch rầm rộ trên diện rộng.

Về vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, nhiều ý kiến nói rằng bản chất dự án nạo vét đường thủy sông Cầu là để khai thác tài nguyên, tận thu cát sỏi. Khi yêu cầu dừng dự án, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã bị đe dọa “xử” vì động đến lợi ích của nhiều người nào đó... Ông có bất ngờ với việc có “thế lực ngầm” phía sau những chiếc tàu hút cát, như vụ việc ở Bắc Ninh?

img

Tàu khai thác cát trên sông Cầu (ảnh cắt từ clip). Ảnh: N.Q

- Tôi được biết thông tin vụ việc trên từ báo chí. Thực ra tôi cũng không bất ngờ lắm, bởi việc khai thác cát trái phép hay khai thác cát núp bóng hoạt động nào đó thường thu lợi rất lớn và họ thường tìm nhiều cách để hợp thức hóa việc khai thác đó. Tôi  biết việc người ta lập các dự án nạo vét đường sông hay muốn lập dự án thủy điện trên dòng sông, nhưng thực tế lại lộ ra việc họ nhằm khai thác cát. Bởi việc khai thác cát hiện nay lời lãi quá lớn. Cho nên, đứng đằng sau việc khai thác cát trái phép hay núp bóng dự án để khai thác cát có thể có cả một hệ thống như “mafia” để bảo kê, chống lưng. Việc các thế lực “đen” đe dọa cả Chủ tịch một tỉnh  là rất nghiêm trọng, cho thấy phía sau còn những việc khác...

Như ông vừa nói thì liệu có khả năng việc cấp phép các dự án nạo vét đường thủy, mục đích là để cho ai đó được hợp pháp hóa khai thác tài nguyên cát trên sông?

- Chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi như vậy. Người ta có thể đặt nghi vấn về những dự án như thế. Chúng ta cần thiết phải có những câu hỏi về việc cấp phép một dự án nạo vét luồng lạch trên diện rộng có thực sự cần thiết không? Điều này cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nếu quyết tâm làm thì sẽ đưa ra ánh sáng được. Bản thân tôi cũng thấy có rất nhiều nghi vấn ở đây.

Trước đây, tôi thấy Bộ TNMT được cấp phép khai thác cát, nhưng bây giờ thì cả Bộ GTVT cũng có thể cho phép khai thác cát được với lý do chính là nạo vét luồng lạch. Như thông tin trên báo chí tôi được biết, UBND tỉnh Bắc Ninh nói rằng luồng sông Cầu đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông an toàn, không cần thiết phải nạo vét. Địa phương hay người dân thấy rằng không cần thiết phải nạo vét luồng lạch thì cần phải làm rõ mục đích của các dự án nạo vét.

Nạn khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm qua chưa trị dứt điểm, ông có cho rằng các cơ quan quản lý đánh giá đúng việc quản lý tài nguyên cát?

- Thật ra tôi chưa tiếp cận được hết các văn bản quy định về việc quản lý khai thác cát trên sông, vì lúc do bộ này quản lý, lúc do bộ kia quản lý. Ví dụ, như các dự án nạo vét luồng lạch do Bộ GTVT chủ trì thì họ nói muốn khơi thông luồng lạch phải nạo vét bùn, cát ở dưới đi. Việc quản lý đan xen, chồng chéo nên cũng chưa rõ được. Nhưng tôi biết rằng, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rộng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân hai ven bờ sông. Chúng ta thấy trong một số vụ việc, người dân địa phương lại là những người đứng lên ngăn chặn cát tặc, họ chống trả một cách tự phát.

img

Chúng ta cần thiết phải có những câu hỏi về việc cấp phép một dự án nạo vét luồng lạch trên diện rộng có thực sự cần thiết không? Điều này cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nếu quyết tâm làm thì sẽ đưa ra ánh sáng được”.
 

   GS  - TSKH
                  Phạm Hồng Giang

Nạn khai thác cát trái phép gây bất ổn về trật tự an ninh xã hội ở nhiều nơi. Còn bây giờ, có thế lực dám đe dọa cả Chủ tịch tỉnh cho thấy việc này ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vậy theo ông, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý tài nguyên cát?

- Như tôi đã nói ở trên, việc quản lý chồng chéo nên cũng chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, ở đây là Bộ GTVT hay là Bộ TNMT? Thực tế trong các dự án nạo vét đường thủy, Bộ GTVT là đơn vị cấp phép cho các dự án nạo vét. Có chỗ vừa có dự án khai thác cát, vừa có dự án nạo vét luồng lạch. Nhưng có một thực tế là chúng ta nạo vét quá nhiều khiến ở sông Hồng, sông Đuống... lòng sông bị hạ thấp rất nhiều, nhưng đến mùa khô không lưu thông được lại nạo vét tiếp. Vòng luẩn quẩn như vậy diễn ra mà chưa có nghiên cứu, khảo sát nào đánh giá được cái này.

Việc khai thác cát rầm rộ cùng hàng loạt các dự án nạo vét luồng lạch liệu có để lại hậu quả trên các sông không, thưa ông?

- Vấn đề nạo vét đất cát ở lòng sông thực ra gây hậu quả rất lớn. Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Bộ NNPTNT về tình trạng xuống cấp cao độ dòng nước ở hạ du sông Hồng, sông Đuống. Điều này gây ra hậu quả rất lớn, hiện nước từ sông Hồng không thể vào được các hệ thống thủy lợi được. Lòng sông bị nạo vét liên tục khiến mực nước xuống rất thấp. Mỗi năm phải lãng phí nước rất nhiều khi phải xả nước từ các hồ chứa để người dân đổ ải. Điều đó chứng tỏ việc nạo vét cát không chỉ là nạo vét cho tàu thuyền đi lại mà còn xem xét sự ảnh hưởng đến tất cả các ngành khác. Tất nhiên cũng cần thấy rằng cát là vật liệu xây dựng quan trọng nên nếu cấm tuyệt đối  khai thác thì cũng không phù hợp. Ở đây, cần tính toán việc khai thác cho hợp lý và không ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác. Những vị trí khai thác rồi phải có biện pháp khắc phục những thiệt hại do hút cát để lại.

Xin cảm ơn ông!