Từ ngày có điện, có đường, chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước về tới bản nhanh hơn, đời sống của đồng bào Dao Tiền dần cải thiện.
Bà con bản Cỏi đã biết làm lúa nước, không đốt nương nữa. |
Kiên cố nếp nhà, mở mang nếp nghĩ
Chúng tôi dừng xe bên con suối đầu bản, từ xa đã nghe tiếng trẻ nô đùa, tiếng máy xay xát, tiếng cưa đục bên những căn nhà sắp khánh thành. "So với ngày mới hạ sơn định cư, nay dân số của bản đã đông hơn nhiều với 85 hộ, gần 400 nhân khẩu. Xong mấy căn nhà này nữa là coi như bản đã xóa được gần 85% nhà tạm thay bằng nhà kiên cố. Số vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ giải quyết được một nửa nhu cầu, còn lại là bà con huy động để tự kiên cố nhà của mình" - ông Phúc tự hào.
Ông Phúc đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Bàn Văn Hoan, Triệu Văn Khang, chị Lý Thị Tào... xây nhà mà không phải nhờ đến nguồn hỗ trợ. Chỉ căn nhà khang trang trên nền nhà cũ, anh Triệu Văn Khang cười: "Thành quả gần 15 năm gia đình tôi tiết kiệm đấy. Tôi luôn động viên vợ, nhà đã thoáng, đã rộng thì suy nghĩ sẽ thông, làm ăn sẽ thuận, con cái học hành sẽ tiến bộ...".
Từ ngày có điện, có đường bê tông, có nhà kiên cố, nếp nghĩ của bà con Dao Tiền nơi đây được mở mang. Hàng chục gia đình đã thực hiện mô hình kinh tế trang trại kết hợp trồng trọt, chăn nuôi. Bên những thửa ruộng hẹp cấy lúa, bà con đã biết trồng xen canh rau màu để có thêm thu nhập.
Giữ rừng để giữ bản sắc
Bản Cỏi là địa bàn xa nhất, sâu nhất trong khu rừng quốc gia Xuân Sơn - một trong những nơi đa dạng sinh thái vào bậc nhất trong số các vườn quốc gia ở nước ta. Công giữ rừng ấy là của đồng bào Dao Tiền bản Cỏi. “Đồng bào được tham gia xây dựng quy chế, tự nguyện bảo vệ rừng, không chặt phá, không làm bẫy diệt thú dưới mọi hình thức..." - anh Khuất Văn Hoàng - cán bộ kiểm lâm xã Xuân Sơn bộc bạch.
Đồng bào Dao Tiền từ bao đời nay "sống nhờ rừng, thác gửi rừng" nên rừng là cuộc sống của họ. Truyền đời bà con lấy việc khai thác lâm sản, đốt nương, trỉa lúa làm kế sinh nhai. Từ khi vườn quốc gia thực hiện chính sách "khoán bảo vệ rừng nguyên sinh", bà con bảo nhau nghe theo cán bộ trồng lúa nước để không đốt nương, không lên núi đốn cây, bắt thú nữa.
Ban quản lý vườn quốc gia khoán 50.000 đồng/ha bảo vệ và 4 triệu đồng/ha trồng rừng nên bà con rất yên tâm, ủng hộ. Hàng ngày, bà con ở bản Cỏi chia từng nhóm đi tuần tra rừng. Ai chặt phá rừng, đặt bẫy diệt thú bị phát hiện, nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì bị truy tố và còn bị phạt, bị trừ vào tiền bảo vệ rừng hàng năm.
"Vài triệu đồng cho bảo vệ và trồng rừng mỗi năm chưa đủ giúp đồng bào ở đây làm giàu, nhưng bà con đã nhận ra được giá trị và ích lợi của rừng nguyên sinh. Giữ được rừng là giữ được những nét riêng độc đáo chỉ có ở bản làng mình. Người Dao nào ở bản Cỏi cũng hiểu điều đó" - ông Bàn Xuân Lâm - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn tâm sự.
Nguyên Minh - Phú Hà