Dân Việt

Phải hài hòa lợi ích hai bên

12/09/2011 21:18 GMT+7
(Dân Việt) - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần đã có những chia sẻ về việc người chăn nuôi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài.

Trong vài năm qua, do khâu phòng chống dịch bệnh yếu, thị trường bấp bênh, các trang trại chăn nuôi có xu hướng gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài (DNNN), (hiện có khoảng 20.000 hộ chăn nuôi gia công cho Công ty CP Việt Nam). Thứ trưởng đánh giá, nhận định gì về xu hướng này?

- Chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (DN) đã phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Đây là hình thức hợp tác tự nguyện giữa DN và nông dân, chủ trang trại. Hình thức này khai thác được lợi thế của mỗi bên: Đối với DN là vốn, kỹ thuật, thị trường; đối với nông dân là đất đai, lao động.

img
Người chăn nuôi đang có xu hướng hợp tác làm ăn với các công ty nước ngoài.

Thực tế, hai bên đều có lợi, tuy nhiên xét theo lợi nhuận của mỗi bên phải tính trên mức độ đầu tư. Đối với chăn nuôi gia công, DN đầu tư trên 80% vốn cho mỗi lứa hay chu kỳ nuôi (gồm con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật) và bao tiêu sản phẩm thì họ phải được lợi nhuận nhiều hơn. Đối với nông dân, chủ yếu là chi phí xây chuồng trại sẽ được tính theo khấu hao dần.

img
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần

Chăn nuôi gia công không chỉ đối với Công ty CP mà còn nhiều DN trong, ngoài nước khác cũng đang phát triển mạnh hình thức chăn nuôi này. Đây là cơ hội để nông dân lựa chọn đối tác liên doanh. Chỉ có hợp tác gia công, nông dân mới được DN đào tạo về kỹ thuật và tiêu thụ được sản phẩm. Nông dân cũng đã tính toán, có lợi thì họ mới làm. Bộ khuyến khích hình thức hợp tác này, tuy nhiên các DN cũng cần bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chính sách của Nhà nước đang có những lỗ hổng khi "tạo điều kiện" cho Công ty CP Việt Nam trốn thuế hợp pháp bằng cách cho phép họ mua gom nguyên liệu tại VN và đưa thức ăn đã chế biến xuống tận tay người chăn nuôi không phải chịu thuế?

- Tại khoản 3 Điều 8 Luật Doanh nghiệp cho phép DN chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng. Việc thu mua nguyên liệu ngô, sắn, cám trong nước là quyền lợi của mọi DN sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Về việc đưa thức ăn đã chế biến xuống tận tay người chăn nuôi không phải chịu thuế: Tất cả các địa phương mà Công ty CP có chi nhánh (trên 30 chi nhánh) đăng ký kinh doanh đều có tính thuế VAT khi xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đầu vào cũng đã được tính VAT.

Còn các trại chăn nuôi gia công cho CP do các nhà máy quản lý thì việc xuất cám trực tiếp thông qua phiếu xuất kho mà không tính thuế VAT (đầu ra) và nguyên liệu để sản xuất thức ăn (đầu vào) cũng không được tính VAT đảm bảo theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng. Việc theo dõi quá trình kinh doanh của Công ty CP do Cục Thuế các tỉnh cũng như Tổng cục Thuế quản lý.

Có ý kiến nhà nghiên cứu chính sách cho rằng, cách hỗ trợ người chăn nuôi qua ngân hàng như lâu nay là ít hiệu quả, mà có thể có cách hỗ trợ hiệu quả hơn qua một quỹ hỗ trợ người chăn nuôi hay một hiệp hội/tổ chức của người chăn nuôi?

- Đúng là việc hỗ trợ người chăn nuôi qua hệ thống ngân hàng còn có nhiều bất cập, người chăn nuôi rất khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay. Vì các ngân hàng không thể có đủ các định chế phù hợp với các đối tượng chăn nuôi của nước ta vốn là nhỏ lẻ, phân tán, rủi ro cao, nên cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các nước để đề xuất cơ chế chính sách hiệu quả hơn. Hiện nay, đang thực hiện thí điểm bảo hiểm vật nuôi theo chính sách mới của Chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng, DNNN trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (TĂCN) chiếm khoảng 70% thị phần Việt Nam, mà họ chỉ có trên 40 công ty lớn, còn các DN trong nước có từ 180-200 nhà máy nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, các DN bản địa thua ngay trên sân nhà. Vậy Bộ NNPTNT giúp gì để các DN Việt Nam tận dụng được các lợi thế địa phương và chuẩn hoá được chất lượng thức ăn chăn nuôi?

- Ngành chế biến TĂCN công nghiệp tại VN được tiếp thu kỹ thuật tiên tiến trên thế giới ngay từ năm 1992 và từ đó đến nay, đặc biệt từ năm 2006 sản xuất của các DN có vốn trong nước luôn chiếm tỷ lệ khoảng 35-41% trên tổng sản lượng sản xuất ra.

Thực tế, nông dân rất yếu về khâu kỹ thuật, giải quyết đầu ra, tự mình không thể ngay lập tức tổ chức chăn nuôi quy mô lớn. Chỉ có hợp tác gia công mới được DN đào tạo về kỹ thuật và tiêu thụ được sản phẩm. Nông dân cũng đã tính toán, có lợi thì họ mới làm. Bộ khuyến khích hình thức hợp tác này, tuy nhiên các DN cũng cần bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các bên.

Riêng năm 2010, cả nước có 233 cơ sở sản xuất TĂCN (trong đó 176 cơ sở trong nước và 57 cở có vốn nước ngoài) với sản lượng TĂCN công nghiệp đã quy đổi là 10,6 triệu tấn, tăng 11,5% so với năm 2009, đáp ứng 53,8% tổng nhu cầu thức ăn tinh cho gia súc, gia cầm. Trong đó 4,2 triệu tấn chiếm 39,6% sản lượng TĂCN công nghiệp được sản xuất bởi các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trong nước và 6,4 triệu tấn chiếm 60,4% sản lượng được sản xuất bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để giúp các DN Việt Nam tận dụng được các lợi thế địa phương và chuẩn hoá được chất lượng thức ăn chăn nuôi, tôi nghĩ cần ưu tiên vốn vay cho các DN đầu tư mở rộng quy mô sản xuất thức ăn trong nước đổi mới công nghệ. Tạo điều kiện để các DN được mua ngoại tệ nhập khẩu các loại nguyên liệu sản xuất TĂCN mà trong nước chưa sản xuất được.

Tăng cường công tác đào tạo các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực thức ăn và dinh dưỡng động vật để giúp các DN trong nước giảm thiểu thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí rất cao. Bên cạnh đó, khuyến khích ưu đãi đầu tư sản xuất nguyên liệu trong nước giảm thiểu bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Tăng cường vai trò của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi trong công tác dự báo, tổ chức nhập khẩu nguyên liệu. Nhà nước đầu tư hạ tầng các cảng nước sâu, trong đó có cả hệ thống kho cảng để các doanh nghiệp thuê nhập khẩu các loại nguyên liệu TĂCN.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!