Dân Việt

Muôn nẻo đường... trốn

12/09/2011 20:00 GMT+7
(Dân Việt) - Vừa đặt chân tới nước bạn, nhiều lao động Việt Nam đã bỏ trốn. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở thị trường lao động Hàn Quốc mà xuất hiện ở nhiều thị trường lao động khác.

Nếu không có giải pháp quyết liệt, nguy cơ mất các thị trường lao động là điều rất dễ xảy ra.

Ảnh hưởng tới người chưa đi

Xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) từ nhiều năm nay được mệnh danh là “xã xuất khẩu lao động”, với hơn 2.000 người đi XKLĐ, trong đó có hơn 1.000 người đang làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, người dân rất hoang mang khi nhận thông báo ngừng thi tiếng Hàn, ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc).

img
Lao động học giáo dục định hướng để chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Thị Mai ở xóm Nam Mới, xã Cương Gián cho biết: “Con tôi theo học và rất nỗ lực để thi đỗ tiếng Hàn nhưng bây giờ lại nhận được thông báo tạm ngừng nên nó buồn lắm. Con em trong xã không chỉ đổ tiền bạc mà cả công sức mấy tháng trời đi học tiếng, giờ trở thành “công cốc”.

Theo ông Hoàng Công Tuần - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián, trên địa bàn xã có hàng trăm gia đình đang rơi vào hoàn cảnh như bà Mai. Không chỉ Chương trình EPS bị tạm dừng mà một số công ty đưa thuyền viên đi đánh bắt xa, gần bờ cũng “sợ” lao động người Cương Gián bỏ trốn nên không nhận nữa.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), gần đây tiếp tục phát sinh 22 lao động bỏ trốn tại sân bay ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, gây bức xúc cho các cơ quan chức năng phía bạn và chủ sử dụng lao động Hàn Quốc.

Chính vì thế, phía Hàn Quốc hoãn kỳ kiểm tra tiếng Hàn với các lao động dự kiến vào ngày 7.8 vừa qua. Ngay sau đó, Bộ LĐTBXH đã có quyết định tạm dừng tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc thuộc 3 xã Cương Gián, Cẩm Nam và Kỳ Ninh (Hà Tĩnh) vì các xã này có lao động bỏ trốn cao.

Muôn lý do… bỏ trốn

Ngoài Hà Tĩnh thì Nghệ An và Quảng Bình cũng là 2 địa bàn có nhiều lao động xuất khẩu đi Hàn Quốc bỏ trốn. Trong các ngày 7, 8, 9.9 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phải tổ chức các cuộc “tuyên truyền về chính sách và các giải pháp ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc” trên địa bàn 3 tỉnh này.

img Một số người bỏ trốn đã làm “dồn toa” hàng nghìn lao động khác, làm xấu đi hình ảnh người lao động Việt Nam chịu thương chịu khó, ảnh hưởng lâu dài đến xuất khẩu lao động của VN. img

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh

Theo đại diện Trung tâm Việc làm ngoài nước (Bộ LĐTBXH)- đơn vị trực tiếp tuyển dụng lao động theo Chương trình EPS thì lao động Việt Nam ở Hàn Quốc bỏ trốn bất hợp pháp có thể do không đủ sức khỏe và không thích công việc trong ngành đăng ký nên bỏ trốn; một số lao động vì muốn có thu nhập cao hơn công việc đang làm nên bỏ trốn ra ngoài làm thuê.

Ngoài ra, một số lao động cũng phản ánh ông chủ người Hàn thường xuyên đánh đập, đối xử tệ bạc khiến người lao động Việt Nam bỏ trốn và trở thành lao động bất hợp pháp. Phần nhiều lao động khác thì đã hết hạn hợp đồng (3-5 năm) nhưng cố “trốn” ở lại với suy nghĩ: “Ở lại có thu nhập 1.000-1.500USD/tháng, về quê làm gì ra số tiền ấy”- anh Nguyễn Văn Dũng, một lao động ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nói.

Ngoài ra, nhiều lao động cũng phản ánh, do chi phí thông qua “cò” và trung tâm môi giới để đi Hàn Quốc lớn nên khi hết hạn hợp đồng, nhiều lao động muốn trốn ra ngoài làm thuê để có tiền trả nợ… Ông Phan Thanh Là -Trưởng phòng Lao động huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho rằng: “Lao động bị “cò” ăn chặn tiền để đi Hàn Quốc rất lớn, từ 200 - 300 triệu đồng nên khi hết hợp đồng, họ trốn ở lại làm tiếp kiếm tiền trả nợ”.

(Còn nữa)