Ông Xuyên cho biết: Trước kia cứ mỗi tuần, Trung tâm Lao động ngoài nước đưa được 50-100 lao động xuất cảnh thì nay 2-3 tuần mới sắp xếp được một đợt cho 20-30 lao động đi. Nguyên nhân đầu tiên, theo tôi là vì hạn ngạch chung Hàn Quốc tuyển dụng lao động nước ngoài hết rồi.
Ngoài ra, qua các kỳ thi tiếng Hàn, ta còn tồn 22.000 hồ sơ trên mạng (hồ sơ đã hoàn chỉnh, lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn, đăng trên mạng để chủ lao động trực tiếp tuyển chọn - PV). Như vậy, lao động bị dồn ở cuối năm là điều tất yếu.
Vậy ông đánh giá thế nào về tình trạng lao động bỏ trốn dẫn tới “dồn toa” lao động trong nước?
- Lao động bỏ trốn rõ ràng là ảnh hưởng tới hạn ngạch tuyển dụng lao động Việt Nam, nhưng theo tôi sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất vào năm sau. Thực ra, việc “dồn toa” lao động đã và đang học tiếng Hàn xảy ra trong cả nước.
Lý do là vì từ năm 2010, chúng ta tổ chức thi tiếng Hàn tự do, lao động cứ học rồi đăng ký thi. Vì thế, có những tỉnh năm 2008, 2009 giao chỉ tiêu tuyển 100 hồ sơ cũng không tuyển nổi nên phải “vơ vét”, lao động thấy đi dễ nên tới năm 2010-2011 đổ xô đi học tiếng Hàn như Vĩnh Long hiện có hơn 1.000 người đã học tiếng Hàn, Kiên Giang, An Giang cũng 500-600 người. Nếu tính những người đã học tiếng Hàn mà chưa thi, chưa xuất cảnh được thì con số này trong cả nước là khá lớn.
Như vậy, nếu sang năm, Hàn Quốc giảm chỉ tiêu hồ sơ lao động, cộng với số lao động đã có hồ sơ còn tồn trên mạng thì nhiều khả năng những lao động mới khó có thể xuất cảnh. Vậy theo ông, làm thế nào để giảm thiểu tình trạng lao động bỏ trốn?
- Theo nguyên tắc có về thì có mới sang, lao động bất hợp pháp không về thì lao động mới khó sang được. Nhưng quy luật thì bao giờ lao động cũng từ vùng nghèo “chảy” về vùng kinh tế khá hơn, ở lại có thu nhập cao thì dù vận động hay xử “rắn” (tạm giữ, trục xuất…) cũng khó làm họ sợ. Vì thế, phải tạo ra dư luận trong các địa phương có lao động bỏ trốn cao để họ tự lên án, tự bảo ban nhau thì tốt hơn. Mặt khác, các công ty XKLĐ, đơn vị phái cử lao động phải làm tốt công tác giáo dục định hướng để lao động hiểu quyền và nghĩa vụ của họ.
Lê Huyền (thực hiện)