Nhiều đô thị hoành tráng không người ở do thiếu tiện ích ở Nhơn Trạch
Những đô thị “chết”
Thị trường địa ốc sục sôi ở các địa phương tiệm cận TP.HCM đã thay đổi bộ mặt vùng ven và giải quyết tốt bài toán giãn dân nhưng cũng để lại hàng loạt dự án “chết” lâm sàng, trong đó Đồng Nai là điểm nóng.
Tại Nhơn Trạch, những dự án như Khu đô thị Long Thọ - Phước An 37ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa có người ở. Hay Khu đô thị Đông Sài Gòn có vốn đầu tư 6 tỷ USD với tham vọng biến vùng đất 942ha thành khu đô thị 150.000 người nhưng người thì không thấy, chỉ thấy bạt ngàn ngổn ngang.
Tại Long Thành, Khu đô thị Thung Lũng Xanh 45 ha từng gây sốt với hàng nghìn nền đất được chào bán trong thời gian ngắn. Hiện tại, cả một dự án rộng lớn không có một căn nhà nào được xây dựng. Cạnh đó là Khu đô thị Tam An có quy mô 37,5ha cũng hoang hoải.
Tại Bình Dương, sau cái chết của Thành phố mới, hàng loạt khu đô thị hoành tráng như Mỹ Phước 1, 2, 3, Ecolake Mỹ Phước đều trong cảnh thưa vắng.
Nhận định của các chuyên gia địa ốc, mẫu số chung của những “đô thị chết” là vì thiếu hạ tầng dân sinh, tiện ích. “Ở bất kỳ dự án nào, cư dân muốn đầy đủ tiện ích mới về ở. Trong khi chủ đầu tư lại chờ dân về ở mới đầu tư tiện ích để tránh lãng phí. Nghịch lý con gà quả trứng đang rất phổ biến”- một chuyên gia phân tích.
Thay đổi tư duy
Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp, muốn giải được bài toán vắnng người ở các khu đô thị, chủ đầu tư phải tiên phong đầu tư tiện ích cho dự án. Cần có chế tài bằng luật để bảo đảm điều này. Ví dụ như quy định lập khu đô thị bắt buộc phải dành 20% nguồn vốn để đầu tư vào tiện ích, có thể phần vốn 20% này được nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các chủ đầu tư. |
Kinh nghiệm “xương máu” từ những dự án đi trước đang khiến những ông chủ địa ốc thay đổi quan niệm. Tại Đồng Nai, có những đô thị mới đang mọc lên và hút được dân. Đơn cử như Khu đô thị Long Hưng tại TP. Biên Hòa đang trở thành tâm điểm thị trường. Ngoài những lợi thế như giá đất “mềm”, dự án nằm liền kề trong khu dân cư hiện hữu, gắn với yếu tố sông nước..., còn có yếu tố quan trọng là đã đẩy mạnh dịch vụ tiện ích trong dự án.
Ông Bùi Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Donacoop cho biết, dự án giao đất cho chính quyền xây dựng trụ sở UBND phường đã đưa vào hoạt động. Trong dự án cũng đã có hệ thống trường học tất cả các cấp. Ngoài ra là công viên, trung tâm thương mại cùng nhiều dịch vụ tiện ích khác. Có khá nhiều cư dân mua đất đã về xây nhà để ở.
“Dù là Đồng Nai, Bình Dương hay TP.HCM, phải đảm bảo được các dịch vụ tiện ích xã hội thì mới hút dân. Dự án dù ở TP.HCM nhưng không có các tiện ích thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, chợ thì người dân vẫn không thể đến ở, dù có nhu cầu”- ông Anh nói.
“Chủ đầu tư phải đặt mình vào vị trí của người có nhu cầu an cư để đặt ra mục tiêu cho dự án. Muốn giải quyết tốt bài toán giãn dân, buộc phải có tiện ích tốt”- Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư LDG nói. Triết lý đó được áp dụng vào tất cả dự án của LDG. Ví dụ như Khu du lịch Thác Giang Điền tại Trảng Bom (Đồng Nai) không chỉ là nơi để cư dân ở với đầy đủ các tiện ích, mà còn là một điểm đến về du lịch của cả khu vực. Hay Khu đô thị The Viva City bán sản phẩm đã hoàn thiện tiện ích, dân chỉ cần vào ở.
Long An có thể coi là điểm sáng của thị trường đất nền với hàng loạt dự án đầu tư bài bản. Đơn cử như Làng Sen Việt Nam dành hẳn lõi trung tâm để phát triển hàng loạt dịch vụ tiện ích như không gian sinh hoạt cộng đồng, công viên văn hoá Bách Việt. Hay Cát Tường Phú Sinh rộng 107ha nhưng chỉ xây dựng 40%, còn lại là các công trình tiện ích. Dự án hội tụ đầy đủ trung tâm hành chính, bệnh viện, trường học các cấp, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, ngân hàng... cùng hàng loạt công viên lớn và hồ điều tiết.
“Tiết chế diện tích xây dựng cũng có nghĩa là hy sinh lợi nhuận. Nhưng thay vào đó, dự án sẽ có sức hút và cư dân được thừa hưởng giá trị vượt trội. Đó là hướng đi bền vững”- ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cát Tường Group nói.