Mới đây, tỉnh Bình Phước đã vận hành thử nghiệm thành công toàn tuyến công trình thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn. Thời gian tới, công trình này sẽ lấy nước từ hồ thủy điện Cần Đơn cung cấp nước tưới cho khoảng 4.548ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Bù Đốp gồm: Thanh Hòa, Thanh Bình, Tân Tiến và Tân Thành - những nơi chịu ảnh hưởng nặng trong mùa khô 2016.
Đủ nước cho nông dân
Mùa khô năm 2016, nông dân xã Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai) phải dùng máy bơm nước tưới phục vụ sản xuất. Ảnh: H.K
Theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình Thủy lợi Đồng Nai, đến thời điểm này, đa số các hồ chứa trên địa bàn Đồng Nai, như: Sông Mây, Cầu Mới, Suối Vọng, Gia Ui đã tích đủ nước. Riêng, hồ Đa Tôn - hồ lớn nhất ở Đồng Nai (thuộc huyện Tân Phú) với dung tích hơn 19 triệu m3 cũng đã tích nước đạt hơn 95% dung tích thiết kế. |
Ông Lê Anh Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Bình Phước thông tin, hiện tỉnh có 66 công trình thủy lợi. Các công trình này đều đảm bảo đủ nước phục vụ tưới tiêu trên diện tích của công trình cho phép.
Trong khi đó, tại hồ Dầu Tiếng - đảm nhận cấp nước tưới trực tiếp cho 108.000ha thuộc các tỉnh Tây Ninh, Long An, huyện Củ Chi (TP.HCM), mực nước đang ở mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Theo ông Bùi Xuân Đại - Phó Giám đốc Công ty Khai thác dịch vụ thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, mực nước tại hồ lúc này khá hơn so với trung bình hàng năm, cao hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái bởi đó là năm hạn cực đoan. Nguồn nước hồ Dầu Tiếng hiện rất tốt, rất dồi dào, đủ chủ động phục vụ tưới tiêu cho các địa phương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hồ thủy lợi ở Đồng Nai, Bình Dương mực nước đang ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nước của các hồ đang đảm bảo nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Hiện các địa phương thực hiện công tác duy tu, sửa chữa nhiều hồ thủy lợi để khai thác hiệu quả trong mùa khô.
Tại Đồng Nai, hiện hầu hết các địa phương đều có phương án đảm bảo nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp trong mùa khô hạn. Ông Trần Thanh Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình (huyện Tân Phú) chia sẻ, diện tích sản xuất trong xã sẽ được đảm bảo cung cấp đủ nước tưới vào mùa khô năm nay nhờ nguồn nước từ sông La Ngà, hồ Đa Tôn và các đập thủy lợi ở địa phương.
Không chủ quan
Tại khu vực Lộc Ninh, Bù Đốp (Bình Phước) vào thời điểm này năm trước, tình trạng khan hiếm nước xảy ra nhiều nơi. Để tìm nguồn nước, nhiều người đã phải bỏ tiền ra nạo vét giếng, hồ chứa. Tuy nhiên, thời điểm này nông dân địa phương không lo thiếu nước tưới bởi các hồ chứa đa phần nước vẫn đầy. “Năm nay hồ nước còn đầy, nhiệt độ không quá gay gắt nên không còn lo thiếu nước” - anh Hoàng Văn Hoàn (ngụ xã Lộc Thái, Lộc Ninh) chia sẻ.
Cũng tại Bình Phước, các khu vực thường xuyên bị khô hạn như huyện Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài, đến thời điểm này nguồn nước vẫn được đảm bảo. Nhiều nông dân chia sẻ, năm trước huy động cả xe bồn đi tìm nước tưới cây, nhưng đến nay thì chưa phải lo việc này.
Tuy nhiên, ông Lê Anh Nam cho biết, mùa khô còn có thể kéo dài, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diện tích khá lớn trong khi nhìn chung hệ thống công trình thủy lợi vẫn còn ít, nông dân nên chủ động ứng phó khô hạn, không nên chủ quan.
Chi cục Thủy lợi Đồng Nai cũng cảnh báo, người dân nên sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa trái mùa, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, kiểm tra, nạo vét thường xuyên hệ thống kênh mương nội đồng. Nông dân cũng nên theo dõi sự biến thiên của độ mặn để kịp thời xử lý, hạn chế thiệt hại trong sản xuất cho dù tình hình xâm nhập mặn ở nhiều địa phương trong tỉnh không quá nghiêm trọng.