Tàu sân bay luôn là niềm tự hào của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
Tàu sân bay là vũ khí chủ lực trong mọi cuộc hải chiến từ thập niên 1940, cũng là yếu tố thể hiện sức mạnh hải quân hiện đại. Hải quân Mỹ hiện sở hữu 10 tàu sân bay cùng một tàu sắp hoàn thiện nhằm phục vụ chiến lược duy trì sức mạnh tuyệt đối trên biển.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ quân sự, cũng như học thuyết tác chiến phi đối xứng sẽ tạo ra những hiểm họa khôn lường với tàu sân bay, đặc biệt là với quốc gia sở hữu nhiều tàu sân bay như Mỹ, theo National Interest.
Ngư lôi
HMS Courageous của Anh là tàu sân bay đầu tiên trên thế giới bị tàu ngầm tiêu diệt khi trúng ngư lôi phóng từ tàu ngầm U-29 Đức vào ngày 17/9/1939. Trong Thế chiến II, Mỹ, Anh và Nhật đều mất hàng loạt tàu sân bay do bị tàu ngầm đối phương tấn công bằng ngư lôi, nổi bật nhất là vụ đánh chìm tàu sân bay Shinano của Nhật bị tàu ngầm Mỹ đánh chìm.
Ngư lôi phóng từ tàu ngầm vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hàng không mẫu hạm. Nga, Trung Quốc và nhiều nước NATO thường diễn tập tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ bằng cách để tàu ngầm lặng lẽ tiếp cận và phóng ngư lôi. Các quả ngư lôi hiện đại không bắn trúng vào thân tàu mà thường kích nổ bên dưới tàu sân bay, tạo ra những con sóng cực mạnh đủ sức bẻ gãy sống tàu.
Các siêu tàu sân bay lớp Nimitz và Ford của Mỹ được thiết kế để có thể chống lại những quả ngư lôi lớn. Hải quân Mỹ từng tiến hành thử nghiệm kích nổ ngư lôi bên dưới tàu USS America vào năm 2005, kết quả là con tàu không bị chìm.
Tuy nhiên, tàu ngầm đối phương hiếm khi chỉ phóng ra một ngư lôi khi tấn công tàu sân bay, trong khi không ai biết được tàu sân bay Mỹ có thể chịu được bao nhiêu quả ngư lôi cùng một lúc. Điều chắc chắn là chỉ một quả ngư lôi đánh trúng mục tiêu cũng sẽ gây hư hại nghiêm trọng và cản trở hoạt động bình thường của tàu sân bay.
Tên lửa hành trình
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển hàng loạt tên lửa hành trình chống hạm và bệ phóng nhằm mục đích tấn công cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ. Đó có thể là những tàu tên lửa cỡ nhỏ, cho tới các tuần dương hạm cỡ lớn hoặc phi đội máy bay chiến lược.
Ngày nay, Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia đã biên chế các tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa, đủ sức đe dọa nhóm tàu sân bay Mỹ. Những loại tên lửa này có giá rẻ hơn rất nhiều so với tàu sân bay, có chủng loại đa dạng, có thể đạt tốc độ siêu thanh và tàng hình trước radar.
Cũng giống như ngư lôi, hiệu quả thực chiến của loại vũ khí này vẫn chưa được kiểm nghiệm. Nhiều tàu chiến vẫn sống sót sau khi bị tên lửa hành trình bắn trúng. Tuy vậy, chỉ cần trúng một quả tên lửa hành trình, tàu sân bay hoàn toàn có thể bị thủng sàn hoặc hư hại khoang chứa máy bay, khiến nó bị vô hiệu hóa trong chiến đấu.
Tên lửa đạn đạo
Loại vũ khí diệt tàu sân bay quan trọng nhất được phát triển trong 10 năm qua chính là tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM). Phiên bản tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc được cho là có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện nay nhờ khả năng tự chuyển hướng trong khi bay để tấn công tàu sân bay Mỹ từ khoảng cách xa.
Bệ phóng tên lửa DF-21 của Trung Quốc. Ảnh: Wired.
Với sự hỗ trợ dữ liệu mục tiêu từ các loại vệ tinh khác nhau, DF-21D có khả năng tấn công tàu sân bay Mỹ đang di chuyển trên biển. Đầu đạn DF-21D có động năng lớn đến mức có thể xuyên thủng tàu sân bay, vô hiệu hóa hoặc đánh chìm nó.
Sự xuất hiện của tên lửa DF-21D buộc hải quân Mỹ phải tăng cường nỗ lực đánh chặn tên lửa đạn đạo, cũng như xem xét lại vai trò của tàu sân bay trong các cuộc đối đầu quy mô lớn.
Chi phí đắt đỏ
Tàu sân bay lớp Ford (CVN-78) có giá khoảng 13 tỷ USD/chiếc, chưa bao gồm chi phí cho các không đoàn máy bay trên hạm. Sự xuất hiện của tiêm kích F-35C, F/A-18E/F và những loại phi cơ hỗ trợ sẽ khiến giá trị của một tàu sân bay tăng vọt đến mức khó tưởng tượng, chưa kể tới các chiến hạm để hộ tống con tàu này.
Dù mức giá đóng tàu sẽ giảm khi có nhiều đơn hàng hơn, lớp Ford mất quá nhiều thời gian để đóng, buộc nhà máy phải bổ sung hàng loạt công nghệ mới cho từng tàu, giống lớp Nimitz trước đây.
Việc chấp nhận mức chi tiêu quốc phòng khổng lồ của Mỹ đã thay đổi trong 30 năm qua. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết hợp việc tăng ngân sách với cắt giảm quy mô lực lượng ở cấp chiến lược. Tới một lúc nào đó, công dụng của một tàu sân bay sẽ không thể bù đắp cho chi phí chế tạo, bảo dưỡng và triển khai nó, khiến sức mạnh hải quân Mỹ suy giảm nghiêm trọng.
Sự cẩn trọng quá mức
Các đối thủ của Mỹ không cần trực tiếp tiêu diệt tàu sân bay để vô hiệu hóa chúng. Những mối đe dọa như tên lửa chống hạm và giá thành quá cao sẽ buộc quân đội Mỹ phải cẩn trọng khi triển khai loại tàu này. Nếu chiến tranh với các đối thủ tiềm tàng nổ ra, chỉ huy hải quân Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ cái giá phải trả khi triển khai tàu sân bay đến khu vực xung đột, khiến họ không thể sử dụng chúng một cách triệt để và hiệu quả.
Giá trị quá lớn về vật chất và tinh thần của tàu sân bay sẽ trở thành nhược điểm lớn nhất. Chúng quá quý giá để bị tiêu diệt trong chiến đấu, buộc hải quân Mỹ phải rút lực lượng này ra bên ngoài các cuộc chiến quy ước với đối thủ ngang hàng.
Trong trường hợp một tàu sân bay bị tiêu diệt, đó sẽ là cú sốc rất lớn đối với các binh sĩ và chỉ huy hải quân Mỹ, khiến niềm tự hào của họ bị tổn thương nặng nề.
Nếu không thể tham gia các cuộc xung đột lớn, tàu sân bay sẽ trở thành gánh nặng ngân sách và ngành công nghiệp quốc phòng. Chính điều này sẽ đẩy chúng tới bờ vực tuyệt chủng, chấm dứt niềm tự hào của bất kỳ lực lượng hải quân nào sở hữu tàu sân bay, chuyên gia quân sự Robert Farley nhận định.