Dân Việt

Kẹt bảo hiểm: 3 tháng nằm bờ, ngư dân mất hàng trăm triệu đồng

Thành Huy 21/03/2017 10:01 GMT+7
Do chưa được mua bảo hiểm cho tàu, nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67 đang phải nằm bờ, chưa được ra khơi, khiến chủ tàu gặp không ít khó khăn.

3 tháng nằm bờ mất hàng trăm triệu đồng

Chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép của ông Châu Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, Long Điền, Bà Rịa- Vũng Tàu) đóng mới bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67 đã hạ thủy từ 6 tháng nay nhưng chưa được vươn khơi, phải nằm tại cảng Nhà máy đóng tàu Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

img

Đã 3 tháng nay, tàu cá của ông Châu Văn Nhỏ nằm bờ vì chưa có bảo hiểm.

Vừa trở về Vũng Tàu sau chuyến ra thăm tàu tại Nam Định, với vẻ mặt mệt mỏi, ông Châu Văn Nhỏ cho biết: “Tàu của gia đình là một trong 121 chiếc đóng mới theo chính sách vay vốn ưu đãi Nghị định 67 của Chính phủ. Tàu dài 52m, rộng 11,8m, công suất máy 1.646CV. Ông Nhỏ ký hợp đồng đóng tàu với Nhà máy đóng tàu Thịnh Long (tỉnh Nam Định) và được Ngân hàng NNPTNT Châu Đức cho vay hơn 33 tỷ đồng. Tàu đã hạ thủy vào tháng 9-2016 và được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào tháng 1-2017. Để hoàn tất các thủ tục cho tàu vươn khơi, tôi đi mua bảo hiểm tàu cá, thuyền viên tại Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu - đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67 tại tỉnh BR-VT - nhưng Công ty này cho biết bảo hiểm theo Nghị định 67 đã tạm dừng, phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nếu mua bảo hiểm thì mua gói thông thường (không có hỗ trợ của Chính phủ), chi phí mất khoảng 300 triệu đồng, trong khi mua theo gói hỗ trợ chỉ hết 30 triệu đồng”.

Không mua được bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ, ngân hàng không giải ngân số tiền 4 tỷ đồng còn lại nên nhà máy đóng tàu chưa bàn giao tàu cho ông Châu Văn Nhỏ. “Đã 3 tháng nay, tàu của tui vẫn nằm tại nhà máy đóng tàu, tôi phải cắt cử 6 người trông coi. 13 lao động mà tôi tuyển cho chuyến mở biển thì vẫn phải trả lương đều đặn (8 đến 15 triệu đồng/người/tháng). Tàu nằm bờ, nhưng kế hoạch trả nợ ngân hàng vẫn phải đúng tiến độ. Thiệt hại cho tôi là quá lớn”, ông Nhỏ nói.

img

Tàu vỏ thép BV96879TS của ông Châu Văn Nhỏ nằm tại cảng Nhà máy đóng tàu Thịnh Long (Nam Định) do chưa mua được bảo hiểm theo gói hỗ trợ của Nghị định 67. Ảnh: T.L

Cần sớm gỡ khó cho ngư dân

Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh BR-VT có 5 tàu đóng mới theo Nghị định 67 đang phải nằm bờ vì chưa mua được bảo hiểm theo gói hỗ trợ của Chính phủ. Nguyên nhân là do từ ngày 26-12-2016, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex đã có công văn gửi đến Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu và các tỉnh đề nghị ngừng cấp bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Theo công văn của Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex thì thời gian triển khai chính sách bảo hiểm đối với tàu cá 67 là đến hết năm 2016 và việc triển khai trong giai đoạn tiếp theo phải chờ hướng dẫn từ Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính vẫn chưa cho ý kiến về việc này. Do đó, Tổng Công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ở các địa phương ngừng cấp bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP từ ngày 31-12-2016.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Năm, ngày 13-3-2017, Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Công ty về nguyện vọng của ngư dân muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm theo biểu phí của Nghị định 67. Cụ thể, ngư dân đề nghị trong thời gian chờ đợi, ngư dân chấp nhận chi trả toàn bộ bảo hiểm theo biểu phí của Nghị định 67 (thấp hơn biểu phí của bảo hiểm thông thường) và chia làm 4 kỳ đóng. Đến khi tiếp tục thực hiện gói bảo hiểm Nghị định 67 thì ngư dân sẽ được hoàn trả phần tiền đã đóng theo mức hỗ trợ của Nhà nước (Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 67 là từ 70% - 90% gói bảo hiểm).

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó ban Chỉ đạo Nghị định 67 của tỉnh, nguyện vọng của ngư dân là phù hợp. “Tàu nằm bờ ngày nào thì khó khăn cho ngư dân ngày đó và làm mất đi hiệu quả đầu tư”, ông Cường nói. Cũng theo ông Trần Văn Cường, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 67 thêm 1 năm, tức đến hết năm 2017, chỉ còn chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính.

Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác, tàu dịch vụ hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90CV trở lên (điều kiện phải là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá). Cụ thể: hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ 70%-90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (mức hỗ trợ tương ứng với công suất máy chính của tàu dưới 400CV và trên 400CV).