Dân Việt

Trung thu mất gốc

12/09/2011 14:49 GMT+7
(Dân Việt) - Trung thu vài năm trở lại đây, trẻ Việt Nam mất dần thói quen rước đèn, đánh trống ếch, múa sư tử… để chơi đồ điện tử Trung Quốc đang tràn ngập khắp nơi. Nhiều người mượn hơi con trẻ để nhí nhố trong những tấm bánh trung thu.

Rằm Trung thu tươi đẹp, nên thơ đang mất dần vì thế. Trẻ xứ ta cũng mất tuổi thơ vì sự biến thái đó.

Chuyện này cũng chẳng phải mới mẻ gì mà nó đã được nhắc chí ít từ gần hai chục năm nay, ấy là chuyện cái bánh trong mỗi dịp Tết trung thu về.

Hồi bao cấp người ta mua bánh dẻo, bánh nướng bằng sổ hộ khẩu, bìa gia đình. Ông bà, bố mẹ hồi đó sung sướng, hả hê nhìn ngắm con cháu vui đùa dưới ánh trăng thu để khi trò chơi gần mãn thì cho trẻ phá cỗ. Cùng với bưởi bòng, hồng, na là chiếc bánh dẻo, bánh nướng hình mặt trăng, hình cá chép được phân ra chia cho trẻ, cho ông bà, cha mẹ.

Những chiếc bánh xinh xinh, đầy ân tình và cũng đầy đặc trưng về văn hoá dân gian và ẩm thực đó giờ đây mỗi một rằm trung thu đến lại bị không ít kẻ thiếu nền tảng văn hoá nhưng lắm tiền đang dùng mọi cách để biến Tết của thiếu nhi thành một dịp để biếu xén, lễ lạt, trả ân trả nghĩa, chạy chức, chạy quyền.

Khi chiếc bánh trung thu thành một lễ vật, một thứ quà cáp thì ngay trong hình thức của nó cũng phải biến thái một cách nhố nhăng, phi lý, ô trọc. Có cầu ắt phải đẻ ra cung, có nhà sản xuất.

Năm nay khi nền kinh tế nước ta đang rơi vào lạm phát dường như chưa tìm ra lối thoát thì các nhà hàng, các hãng sản xuất bánh trung thu như Kinh Đô, Bibica, các khách sạn Hà Nội, các cửa hàng Long Đình, Vân Nam ở Hà Nội tung ra thị trường những hộp bánh trung thu mang những cái tên ngô nghê nửa tây, nửa tàu có giá khủng khiếp, như: Trăng vàng Phú Quý, Trung Thu Đế Nguyệt có giá 1,2-1,4 triệu đồng/hộp; An Quý Black LaBel đến An Quý Gold La bel Reseeve có giá từ 2,2-3,2 triệu đồng/hộp.

Khách sạn Hà Nội tung ra 19 sản phẩm bánh trung thu có giá từ 1 triệu, đến loại bánh mang cái tên đầy sự xu nịnh nhố nhăng "Cống phẩm Hoàng Triều" có giá lên đến 9.999.999 đồng…

Trong những hộp bánh quý phái dán nhãn cái tết của con trẻ đó người ta nhét rượu tây, ly uống rượu hảo hạng, cả nhẫn vàng... Còn nhìn vào nguyên liệu làm nhân bánh mới thấy sự mất gốc hay là sự kệch cỡm, trọc phú không tôn trọng khẩu vị truyền thống khi thưởng thức bánh trung thu của cha ông. Thay vì hương vị thập cẩm cổ truyền gồm bí đao, lạp xường, lá chanh, vừng, lạc, dừa, một chút ít thịt... là bào ngư, hải sâm, vi cá, tổ yến, trứng mặn...

Trung thu vài năm trở lại đây trẻ Việt Nam mất dần thói quen rước đèn, đánh trống ếch, múa sư tử… để chơi đồ điện tử Trung Quốc đang tràn ngập khắp nơi. Nhiều người mượn hơi con trẻ để nhí nhố trong những tấm bánh trung thu. Rằm trung thu tươi đẹp, nên thơ đang mất dần vì thế. Trẻ xứ ta cũng mất tuổi thơ vì sự biến thái đó.