Voi khóc
Nạn nhổ trộm lông đuôi voi đã xảy ra từ nhiều năm nay ở Tây Nguyên, khởi đầu từ những lời đồn đại lông đuôi voi đem lại điều lành cho người sở hữu nó. Người ta cho rằng lông voi trừ tà, xỉa răng thì trị được sâu răng, làm nhẫn đeo tay thì luôn được may mắn... Cứ thế, lông đuôi voi bỗng dưng trở thành mặt hàng có giá khiến một số nài voi, chủ voi tự nhổ lông voi nhà bán cho du khách.
Nhiều kẻ hám lợi tìm cách nhổ trộm lông đuôi voi của nhà khác, thậm chí gây thảm họa cho voi khi "trảm" luôn cả khúc đuôi dài...
Ông Lê Văn Quyết, một chủ voi có tiếng ở huyện Lắk (Đắk Lắk), vẫn còn cảm giác đau xót khi thuật lại chuyện con voi nhà tên là Na Khun bị chặt trộm đuôi cách đây hai năm. Một sớm tinh mơ, ông vào rừng dắt voi về chở khách du lịch thì bỗng thấy voi Na Khun có thái độ khác lạ.
Phát hiện voi bị chặt mất đuôi từ đêm trước, máu từ vết thương chảy ròng ròng không dứt, ông Quyết nhanh chóng đưa voi về nhà chữa chạy.
"Ban đầu, con voi không cho buộc thuốc do đuôi luôn cử động, khó khăn lắm mới cầm máu cho nó. Nếu phát hiện chậm thì chỉ trong buổi sáng con voi mất máu nhiều sẽ chết" - ông Quyết kể. Ông bảo, từ khi bị chặt đuôi, con voi Na Khun trước đây vốn ngoan hiền đã trở nên trái tính, hung dữ, thường tỏ ra cảnh giác, khó chịu với người lạ.
Một chiếc "đuôi voi" tại một quầy hàng lưu niệm ở Buôn Đôn |
Năm ngoái, lại thêm một vụ chặt trộm đuôi voi xảy ra ở huyện Lắk, con voi bị nạn tên là H'Túk của ông Đặng Văn Long, người được mệnh danh nuôi nhiều voi nhất VN. Bốn đối tượng tham gia vụ chặt đuôi voi này sau đó bị sa lưới pháp luật đã thú nhận còn nhổ trộm hơn 200 chiếc lông đuôi của một con voi khác ở Lắk.
Số lông của hai chiếc đuôi này được chúng bán với giá 26 triệu đồng và chia nhau tiêu xài. Vụ án chặt đuôi và nhổ trộm lông đuôi voi đầu tiên ở Đắk Lắk được xét xử ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm vào nửa đầu năm 2011, cả 4 đối tượng đều bị phạt tù. Tuy nhiên, những thiệt hại mà những chủ voi gánh chịu còn lớn hơn khoản bồi thường mà tòa án buộc đối tượng chặt đuôi voi phải trả.
Ông Long lý giải: "Con voi nguyên vẹn bán đi có thể được giá từ 250 đến 300 triệu đồng, nhưng khi bị chặt đuôi thì hạ giá xuống 50 triệu đồng cũng không ai ngó ngàng. Đó là chưa kể những chi phí tốn kém để phục hồi tâm tính, sức khỏe cho voi sau khi bị tổn thương".
Không chỉ có voi ở Đắk Lắk, voi làm du lịch ở những nơi khác cũng không tránh khỏi cảnh bị xâm hại chỉ vì những sợi lông đuôi. Cách đây tròn một năm, hai con voi cái ở khu du lịch thác Prenn (Đà Lạt) đã bị chặt mất đuôi, cho đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Voi nhà bị chặt trộm đuôi liên tiếp khiến nhiều chủ voi không dám mạo hiểm đánh cược tính mạng voi bằng việc để nguyên chùm lông đuôi.
Voi nhà trong một cuộc thi chạy ở hồ Lắk |
Thật giả lẫn lộn
Mùa hè ở Buôn Đôn khá nhộn nhịp, phần lớn du khách đến đây đều mong muốn trải nghiệm cảm xúc với màn cưỡi voi ngoạn cảnh núi rừng. Voi gặp mùa du lịch khá đắt sô, trong một buổi sáng, một voi có thể chở gần chục lượt khách. Ở bãi cột voi, dễ nhận ra hầu hết voi nhà đều bị trụi lông đuôi.
Y Khang, một nài voi ở đây cho biết, voi bị vặt hết lông đuôi đã mấy năm nay rồi. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, nhiều du khách đến đây có vẻ mãn nguyện khi mua những chiếc lông được cho là lông đuôi voi "chính hiệu" từ những quầy hàng lưu niệm.
Trong vai khách du lịch hỏi mua lông đuôi voi, chúng tôi được một phụ nữ trung niên đứng quầy xởi lởi chào hàng. Khi chúng tôi tỏ ý nghi ngờ, bà vào trong lấy ra một chiếc đuôi voi khô cứng còn sót một ít lông tua tủa và khẳng định đây là đuôi voi thật, được mua lại từ một con voi trong vùng bị bệnh chết mấy năm trước.
Qua những quầy lưu niệm khác, chúng tôi được một hướng dẫn viên du lịch tên H. gợi ý bán lông đuôi voi "thứ thiệt". Thấy "khách hàng" gật đầu, H. phóng xe máy đi đâu đó khoảng 10 phút sau trở lại với chục sợi lông voi trong tay và đoan chắc "hàng" lấy từ một nài voi đáng tin cậy. Theo H., tùy độ ngắn dài mà mỗi sợi lông đuôi voi "xịn" này có giá từ 100.000 - 300.000 đồng. Khi nghe so với lông đuôi voi ở các quầy hàng lưu niệm giá chỉ từ 80.000 - 150.000 đồng, H. bĩu môi "đấy là hàng giả".
Khó có thể kiểm chứng những sợi lông thật hay giả, chúng tôi tìm đến ông Ama M., người từng nuôi voi có uy tín ở buôn Trí, xã Krông Na, H.Buôn Đôn để hỏi cách phân biệt.
Ông Ama M. thật thà: "Cả vùng Buôn Đôn chỉ còn khoảng 20 con voi, lông đuôi đâu nhiều để bán ngày này qua ngày khác như thế. Toàn là của giả thôi, mình cũng không biết lông đuôi voi giả khác lông thật như thế nào nếu nhìn bằng mắt thường. Người ta làm giả khéo lắm, có thể bằng nhựa hoặc lấy sừng trâu chuốt ra từng sợi nhỏ như chiếc tăm tre, đánh bóng, ngâm tẩm hóa chất cho mềm và dai gần như lông đuôi voi. Sau đó lấy đuôi trâu khô khoan lỗ cắm sợi lông giả này vào bằng keo dán sắt".
Lý giải của ông Ama M. khiến chúng tôi chợt hiểu vì sao nhiều quầy hàng lưu niệm có những chiếc "đuôi voi" này để trưng ra, thuyết phục du khách.
Còn có lý giải khác về việc lông đuôi voi được bày bán nhiều là do được nhập từ Lào, Thái Lan, nhưng cũng không ai dám chắc điều này. Cứ thế, lông đuôi voi thật giả lẫn lộn được mua bán trôi nổi tại các điểm du lịch ở Tây Nguyên, khiến không ít du khách mất tiền oan mà gần như không có cơ quan quản lý nào để tâm đến…