Dân Việt

Loạn giá hàng một giá

12/09/2011 12:57 GMT+7
Không ít cửa hàng trưng biển “một giá” để tạo sự tin tưởng cho người mua rồi biến một giá thành “chợ giá”, đánh lừa khách hàng…
img
Ngay trên biển hiệu đã thấy không phải là “một giá”

“Treo đầu dê, bán thịt chó…”

Tiện ích của hàng một giá là không phải mặc cả, giá hợp lý, chất lượng tạm ổn, mẫu mã đa dạng nên được số đông người tiêu dùng lựa chọn. Bên cạnh một số cửa hàng “một giá” tạo dựng được uy tín trên thị trường thì đã và đang xuất hiện ngày một nhiều những cửa hàng “một giá” bán… loạn giá nhằm trục lợi. Phần lớn các cửa hàng này đều nằm ở những tuyến phố lớn, vị trí thuận lợi, lại trưng biển hiệu, băng rôn hấp dẫn nên rất dễ thu hút khách hàng, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Dạo quanh các phố tập trung nhiều shop quần áo ở Hà Nội, chúng tôi hoa mắt với các kiểu biển quảng cáo cửa hàng một giá: “Cửa hàng duy nhất một giá 120.000 đồng”, “Khuyến mại một giá 150.000 đồng”, “Quần, váy, áo một giá 100.000 đồng”... Nhiều cửa hàng còn tạo ấn tượng riêng bằng cách treo biển “hàng một giá duy nhất 69.000 - 159.000 đồng(?!)”.

Trong vai khách hàng, chúng tôi vào một cửa hàng treo tấm băng rôn màu đỏ bắt mắt: “Chỉ duy nhất 1 giá 100.000 đồng” trên đường Cầu Giấy. Phấn khởi khi chọn được 2 chiếc áo ưng ý, mang đến quầy thanh toán thì cô bán hàng giãy nảy: “Chị chọn nhầm rồi, mấy thứ này toàn hàng mới nhập làm gì có giá 100.000 đồng/ chiếc…”.

Nói dứt lời, cô bán hàng chỉ vào đống quần áo chất đống và khẳng định giá 100.000 đồng chỉ dành cho loại hàng… thanh lý. Khi chúng tôi thắc mắc, cô bán hàng giải thích: “Cửa hàng không áp dụng một giá duy nhất với tất cả các mặt hàng…”.

Chị Nguyễn Thu Nga, ở quận Cầu Giấy than phiền: “Với tấm biển “bán hàng một giá”, nhiều cửa hàng trưng ra chẳng qua để thu hút khách hàng nhưng thực chất họ biến tướng, làm loạn giá khiến người tiêu dùng rất thất vọng trước kiểu kinh doanh không minh bạch này. Phần lớn các cửa hàng một giá đều dùng chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” và khái niệm “một giá” dường như bị người kinh doanh lạm dụng một cách thái quá để “ hút khách”, nhất là với những người tiêu dùng muốn mua hàng giá rẻ và ngại mặc cả…”.

Tưởng rẻ hóa đắt

Về lý thuyết, bán hàng một giá để giúp khách hàng mua nhanh không phải mặc cả với chất lượng hàng hoá tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ khái niệm một giá bị dùng bừa bãi mà chất lượng hàng hoá cũng khiến người tiêu dùng thất vọng. Quần áo không còn mới, thiếu nhãn mác hoặc chất lượng kém... là thực tế của không ít các cửa hàng treo biển quảng cáo bán hàng một giá. Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng còn mua hàng thùng, hàng kiện, hàng cân về lọc rồi bán đồng giá để kiếm lời.

Theo một chủ cửa hàng, hàng được nhập về có nhiều loại giá, nhưng khi đem bán đổ đồng, kiểu gì họ cũng lãi. Khách hàng thường bị ấn tượng bởi biển quảng cáo “một giá” cùng một vài bộ quần áo bắt mắt trưng bên ngoài để rồi thất vọng và bị hớ khi mục sở thị. Thậm chí, nếu không xem xét kỹ các mặt hàng bày bán, khách hàng sẽ dễ mua nhầm hàng kém chất lượng và thay vì hy vọng được mua những món hàng rẻ thì lại thành đắt.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa- Đội trưởng Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội: “Trường hợp các chủ cửa hàng bán sai giá niêm yết, không niêm yết giá bán thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo luật định. Việc một số cửa hàng treo biển quảng cáo “duy nhất 1 giá” rất khó để hiểu rõ ý đồ và có thể dễ gây lầm tưởng cho khách hàng. Để xử lý những trường hợp này rất khó do các văn bản pháp luật chưa có quy định rõ ràng cho vấn đề này. Tuy nhiên, nếu thực chất các cửa hàng chỉ treo biển với mục đích bán một loại giá cho tất cả các mặt hàng mà họ lại bán nhiều loại giá khác nhau thì đây là hành vi gian lận thương mại, lừa dối khách hàng”.

Ông Nghĩa cũng đưa ra lời khuyên, để tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, giá cao hơn so với giá quảng cáo, người tiêu dùng nên cẩn thận xem hàng thật kỹ và không nên ham rẻ. Song bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên kiểm soát giá cả hàng hóa nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo An ninh Thủ đô