Ngư dân Quang cho biết, đối với nghề giã cào, ngư dân đi đánh bắt theo tuyến, theo mùa và theo con cá. Như mùa này ngư dân chủ yếu khai thác cá heo, mực nhỏ. “Nghề này mà cấp hạn ngạch khai thác hoặc cấm đánh bắt, và buộc phải phân loại ra cấm khai thác cá bé thì 100% khó thực hiện. Nhà nước cần lựa chọn phương án sao cho phù hợp, nếu triển khai cần có biện pháp hợp lý. Cấm ngư trường này, ngư dân còn đi tìm ngư trường khác được. Còn cấm khai thác mấy tháng, ngư dân sống bằng gì?” - ngư dân Quang nói.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Thông (phường Nại Hiện Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng: “Đề xuất cấp hạn ngạch khai thác sẽ làm khó cho ngư dân, bởi ngư dân đi biển quanh năm. Trong một năm mất hết 3-4 tháng mưa bão, tàu cá phải nằm bờ. Nếu cấm tiếp 2-3 tháng khác thì ngư dân chúng tôi lấy gì ăn?”.
Ngư dân Lê Dũng - chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu ĐNa 90098TS, công suất 840 CV (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề đưa ra về cấp hạn ngạch khai thác hay cấm khai thác tránh tận diệt nguồn thuỷ hải sản trong một thời gian là việc khó thực hiện.
“Bởi ngư dân quanh năm bám biển, coi biển là nhà. Chúng tôi đi khai thác nhiều vùng biển chứ không phải riêng khu vực Hoàng Sa. Ngư trường nào cạn kiệt, ngư dân chúng tôi chuyển đi đánh bắt ngư trường khác, còn nếu cấm khai thác mùa nào đó, chắc có lẽ ngư dân khó thực hiện. Nếu Nhà nước có biện pháp cấm khai thác vùng biển nào, cấm khai thác trong đôi ba tháng..., phải có biện pháp xử lý, hỗ trợ hợp lý thì ngư dân mới tuân thủ được. Tôi đã hơn 20 năm đi biển, khai thác vùng khơi xa các loại cá ngừ, cá thu, cá dũa… Có chuyến chỉ được 1-2 tấn cá, có khi 10-15 tấn. Có chuyến có thu nhập, có chuyến huề vốn, có chuyến thậm chí lỗ vốn. Nếu cấm khai thác trong một thời gian thì ngư dân sẽ làm gì?” - anh Dũng băn khoăn.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho rằng, không có nguồn tài nguyên nào mà khai thác không cạn kiệt nếu con người cứ khai thác thiếu hiểu biết, bừa bãi. Phải hạn chế lòng tham của con người trong việc khai thác nguồn tài nguyên, trên cơ sở hiểu biết bền vững về giới tự nhiên.
Theo ông Lĩnh, biển là một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bất cứ một sự khai thác quá mức về một chủng loài nào đó, một khu vực nào đó hoặc bất cứ sự phát triển quá mức của một chủng loài hay khu vực đều gây ra sự mất cân bằng sinh thái, huỷ hoại môi trường. Do vậy, việc ngăn chặn cấm khai thác một loài hải sản ở một thời kỳ nhất định là điều cần thiết.
“Tuy nhiên, muốn làm được phải có hiểu biết tường tận về hệ sinh thái đang quản lý, như từng loài phân bổ ra sao, từng loài sinh sản thế nào, mùa nào… rồi mới ra hạn ngạch hay lệnh cấm là cần thiết. Còn lại bất kỳ sự can thiệp nào dù thiện ý bao nhiêu nhưng không xuất phát từ sự hiểu biết tường tận về tài nguyên, chỉ tạo ra “cửa quyền” cho bộ phận quản lý và có thể ảnh hưởng nguy hại đến người dân” - ông Lĩnh nhận định.
Cải chính: Trong bài Ngư dân lo sợ ảnh hưởng sinh kế đăng trên báo điện tử Dân Việt ra ngày 24.3.2017 có đăng bức ảnh với chú thích: "Đánh bắt cá trên biển Trung Sa". Đây là chú thích không chính xác. Chú thích ảnh đúng là: Ngư dân Đà Nẵng lo sợ ảnh hưởng sinh kế. Báo Dân Việt xin cải chính lại thông tin trên và xin chân thành cáo lỗi với bạn đọc. |