Dân Việt

“Soi” trường học của các công chúa, hoàng tử trên thế giới

Huyền Anh (Theo Hello Magazine) 23/03/2017 12:55 GMT+7
Đã xa rồi cái thời công chúa, hoàng tử chỉ học với thầy giáo riêng hoặc tại trường nội trú của Hoàng gia. Ngày nay, các nhân vật quyền lực này được tham gia học tập, vui chơi trong môi trường rộng lớn hơn, thậm chí ở các trường công lập địa phương.

1.Hoàng tử George (Anh)

img

Với việc cả gia đình hoàng gia này trở về London, Hoàng tử George cũng sẽ được chuyển tới một ngôi trường mới. Trước đó, vị vua tương lai của nước Anh học mầm non ở ngôi trường Montessori có chi phí khiêm tốn, nằm tại Norfolk.

Montessori được coi là một ngôi trường “đặc biệt"” bởi hệ thống giáo dục tại đây không hướng đến sự ganh đua trong lớp học mà tôn trọng khả năng của mỗi đứa trẻ, nhấn mạnh đến sự phát triển tinh thần, thể chất và tâm lý hơn là kết quả học tập.

Giới truyền thông cho hay Hoàng tử George nhiều khả năng sẽ nối bước cha, chú (Hoàng tử Harry), theo học ở trường Wetherby khi cả gia đình gồm bố mẹ là hoàng tử William và công nương Kate Middleton cùng em gái Charlotte Charlotte chuyển về lại điện Kensington ở thủ đô London sinh sống vào mùa hè năm 2017.

2. Hoàng tử Hisahito (Nhật Bản)

img

Người thứ 3 trong thứ tự kế vị ngai vàng của Hoàng gia Nhật Bản - Hoàng tử bé Hisahito đang có một trải nghiệm giáo dục hoàn toàn khác biệt so với các thế hệ trước.

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, tất cả các công chúa, hoàng tử Nhật Bản đều được học tại một ngôi trường duy nhất từ bậc tiểu học cho đến bậc đại học. Đó là trường quý tộc Gakushuin nằm ở thủ đô Tokyo, được thành lập năm 1847 bởi Hoàng đế Ninko. Tại Gakushuin, con cháu của các gia đình dòng dõi quý tộc sẽ nhận được sự đối xử đặc biệt tuỳ theo tước vị.

Hoàng tử Akishino - bố của Hoàng tử bé Hisahito đã có một phương pháp giáo dục con mình rất đặc biệt, thậm chí đi ngược lại với truyền thống của Hoàng gia nước này bằng cách lựa chọn cho con mình một nền giáo dục  bình dân với chế độ học tập và sinh hoạt bình thường như nhiều học sinh khác tại trường Tiểu học Ochanomizu.

Ở đây, cậu không được gọi tên Hoàng tử kèm theo chức vị. Bố mẹ cậu bé tin rằng, để trở thành biểu tượng của nhà nước trong tương lai, Hoàng tử bé phải có những trải nghiệm quý báu khi học tập, tiếp xúc với nhiều đứa trẻ có nguồn gốc khác nhau để hiểu được cảm xúc của người dân.

3. Công chúa Leonor (Tây Ban Nha)

img

Cùng với em gái Sofia, Công chúa Leonor của Tây Ban Nha theo học tại trường Santa Maria de los Rosales ở thủ đô Madrid, chỉ cách cung điện Hoàng gia Moncloa vài phút.

Chương trình giáo dục tại ngôi trường này quan tâm nhiều hơn đến cách giao tiếp, ứng xử và sự phát triển cá nhân chứ không phải là kết quả học tập, thậm chí có cả một bài học dành cho việc đi lên xuống cầu thang mà không gây tiếng ồn.

“Chúng tôi mang lại một nền giáo dục tạo ra những con người có sức khoẻ về thể chất và tinh thần – nền tảng để trở thành những nhà tư tưởng nhiệt huyết và sáng tạo, có khả năng đánh giá độc lập và sẵn sàng chấp nhận các sứ mệnh của mình”, giáo viên của ngôi trường cho biết.

Từ khi còn nhỏ, cả Công chúa Leonor và em gái Sofia đã được bố mẹ truyền cho niềm đam mê “rèn luyện sức khỏe”. Tập thể thao là một cách để các công chúa rèn luyện và bảo vệ bản thân để có thể chịu được sức ép từ những công việc của hoàng gia cũng như tận hưởng cuộc sống của riêng mình. Công chúa Leonor cũng luôn được tạo điều kiện tiếp xúc với nhiều người, không chỉ những người trong hoàng cung.

4. Hoàng tử Moulay Hassa (Ma-rốc)

img

Cả Hoàng tử Ma-rốc Moulay Hassan và em gái cậu là Công chúa Lalla Khadiha đều nhận được một nền giáo dục chính quy tại trường College Royale thuộc Cung điện Hoàng gia ở Rabat cùng với một số ít thanh thiếu niên tầng lớp thượng lưu Ma-rốc.

Giáo viên của trường được cung cấp từ hệ thống giáo dục quốc gia của Pháp, một truyền thống lâu đời có từ khi thành lập năm 1942 bởi Vua Mohammed V-  ông nội của hoàng tử.

Lấy cảm hứng từ mô hình trường trung học của Pháp, học sinh tại đây được học bằng tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Ảrập cũng như các nghi thức hoàng gia.

5. Công chúa Ingrid (Na Uy)

img

Trong khi hoàng tử Sverre Magnus phát triển sự sáng tạo của mình tại trường Oslo Montessori và những người anh em họ khác - Maud, Leah và Emma (các con của Công chúa Martha Louise và Ari Behn) - tập trung vào việc học tập qua các trò chơi sáng tạo trong trường Rudolph Steiner thì Công chúa Ingrid của Na Uy lại tham gia học tập ở một môi trường nói tiếng Anh tại Trường Quốc tế Oslo, thuộc top những trường tư thục đắt đỏ nhất cả nước.

Giải thích cho sự chuyển đổi từ nền giáo dục công sang tư nhân, Hoàng tử Haakon và Công chúa Mette Marit cho biết con của họ đã có những năm được giáo dục tốt trong hệ thống công nhưng điều quan trọng là Ingrid phải có được “khả năng cơ bản trong việc nói và nghĩ bằng tiếng Anh”.

6. Công chúa Estelle (Thụy Điển)

img

Người kế vị ngai vàng Thụy Điển thứ 2 theo thứ tự, sau cha mình, Thái tử Daniel được tham gia học tập tại môi trường đầy “mưa và nắng” ở trường Aventyret (theo tiếng Thụy Điển có nghĩa là “phiêu lưu”), thành phố Stockholm.

“Chúng tôi muốn thiên nhiên trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của con cái mình”, Công nương Victoria giải thích.

Phần lớn các bài học tại đây diễn ra ở ngoài trời. Học sinh được học cách quan tâm và tôn trọng môi trường thông qua các trò chơi. “Những đứa trẻ được học cách bò, nhảy và leo cây. Đây là một sân chơi lý tưởng”, Hiệu trưởng Siw Linde cho biết. “Ngoài ra, các em cũng sẽ có cảm giác gần gũi khi nghe những câu chuyện cổ tích dưới tán cây trong khi đang đi dã ngoại”.

7. Hoàng tử Christian (Đan Mạch)

img

Hoàng tử Christian là học sinh tại Trường Trane Overgaard, Thủ đô Copenhagen. Người Scandinavia tin rằng có mối liên hệ mật thiết giữa thể lực và trí thông minh, các hoạt động thể chất chính là nền tảng vững chắc cho việc học tập mỗi ngày.

Ngôi trường khuyến khích trẻ em tự giáo dục bản thân. Tại đây, các giáo viên coi học sinh là những người độc lập và cần được đối xử tôn trọng.

8. Hoàng tử Hussein (Jordan)

img

Hoàng tử Hussein của Jordan từng là học sinh của King's Academy, trường nội trú đầu tiên trong thế giới người Ả Rập, nằm ở Madaba, một thành phố nông nghiệp gần thủ đô Amman. Với một chương trình giảng dạy theo chuẩn Mỹ, hệ thống giáo dục ở đây coi trọng việc thúc đẩy tư duy, thảo luận và phân tích cá nhân, trái ngược với cách “học vẹt” truyền thống trong khu vực.

Trường được thành lập bởi Vua Abdullah II – cha của Hoàng tử Hussein sau khi ông học tập tại Học viện Deerfield ở Massachusetts và muốn một ngôi trường tương tự gần nhà cho con mình. Được ví như là “Trường Đạo đức và Lãnh đạo Toàn cầu”, nó hứa hẹn sẽ tạo ra “một thế hệ mới của những trí tuệ đầy sáng tạo và được giác ngộ”.