Tại mô hình chăn nuôi nông hộ ở xã Long Phước, ông Nguyễn Văn Thông cho biết nhờ số vốn 20 triệu đồng vay từ nguồn vốn QHTND, ông đầu tư sửa chữa chuồng trại; thả nuôi cả bò và heo. Đến nay, đàn heo,bò của ông đã tăng lên 15 con bò và 9 heo nái.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý tham quan mô hình chăn nuôi hiệu quả nhờ nguồn vốn vay từ QHTND
Ông Thông kể toàn bộ số vốn vay đã được gia đình hoàn trả trong năm 2016. Mặc dù là hộ làm ăn có hiệu quả nhưng giá cả bấp bênh và đầu ra kém ổn định vẫn là trở ngại khi ông muốn mở rộng đầu tư hơn. Ông đề nghị các cấp HND và chính quyền hỗ trợ nhiều hơn về vốn cho các nông hộ khác cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch HND huyện Long Thành đánh giá việc xây dựng, quản lý và điều hành QHTND là nhiệm vụ trọng tâm để giúp nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
“Thực tế, nhu cầu hỗ trợ cho nông dân là rất lớn nhưng nguồn vốn QHTND tại địa phương còn hạn chế. Ở nhiều xã, người dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này”, ông Thanh thừa nhận.
Thêm nữa, nguồn vốn vận động hiện chủ yếu đến từ sự ủng hộ và đóng góp hàng năm của hội viên nông dân hoặc hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Việc tiếp cận, vận động doanh nghiệp thì chưa được nhiều.
Từ đó, ông Thanh kiến nghị UBND huyện chấp thuận để HND huyện tiếp tục được quản lý, đầu tư nguồn vốn theo ngân sách cho dự án khác sau khi thu hồi vốn và phí theo quy định về tỷ lệ phân bổ phí thu cùng mức thu phí cho vay QHTND.
Bổ sung vào những khó khăn hiện tại, bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch HND tỉnh Đồng Nai cho biết việc tiếp cận các doanh nghiệp lớn ở cấp huyện còn nhiều khó khăn chứ không riêng ở huyện Long Thành.
“Nguồn vốn vay từ QHTND quy định không quá 50 triệu đồng/dự án. Nhiều nông dân muốn mở rộng diện tích còn e ngại khi phải nâng mức vay. Trong khi lãi mà Trung ương HND quy định hiện ở mức 8,4%/năm là quá cao so với mặt bằng chung của các ngân hàng”, bà Hằng nói.
Biểu dương nỗ lực của HND tỉnh và HND huyện Long Thành, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý nhận định, tỷ lệ hộ nghèo của huyện thấp hơn 1% bước đầu cho thấy hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn QHTND đúng đối tượng, đúng mục đích. Việc xem xét mức lãi suất sẽ được tham mưu cấp Trung ương HND nhưng dự kiến vẫn áp dụng đến hết nhiệm kỳ.
“Bên cạnh việc vận động tăng nguồn vốn cho Quỹ, công tác Hội cần tăng cường hỗ trợ liên kết chuỗi để nguồn vốn của Quỹ đến với nông dân ngày càng phát huy hiệu quả”, bà Lý nhấn mạnh.
Năm 2016, ngân sách tỉnh đã cấp cho QHTND tỉnh Đồng Nai 10 tỷ đồng, lộ trình 2016 – 2020 sẽ là 40 tỷ. Tính đến ngày 21.3, tổng nguồn vốn HND huyện Long Thành đang quản lý hơn 3,2 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn huyện và các xã vận động qua các năm hơn 964 triệu đồng đã xét cho hộ nông dân vay để sản xuất, kinh doanh. |