Đã 3 năm rồi nhưng khi nhắc đến, bà Trịnh Thị Lây (dân tộc Khmer, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu) vẫn cứ tấm tắc khen: “Bộ đội Sil tốt bụng lắm, ngày đó chứng bệnh đại tràng cấp cứ hành hạ tôi suốt, may là có bộ đội Sil cho thuốc uống và hướng dẫn điều trị” mới khỏe.
Thiếu úy Danh Sil. |
Nhập ngũ năm 2001, năm 2002, Danh Sil (dân tộc Khmer) được đi học lớp y tá tại Trường Trung cấp nghề số 9 (Quân khu 9). “Cha mất sớm, một mình mẹ phải nuôi 7 anh em mình khôn lớn trong cảnh nghèo khó. Khi đang theo học lớp y tá thì hay tin mẹ mất, vậy là từ đây mình không còn cơ hội để chăm sóc, lo lắng cho mẹ nữa” – Danh Sil bùi ngùi. Năm 2003, Danh Sil nhận nhiệm vụ tại Đội công tác CT47 – Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu.
8 năm qua, thiếu úy Danh Sil đã trở thành một người bạn, người con của nhân dân nghèo thuộc các xã vùng sâu tỉnh Bạc Liêu. Người ta thấy ở anh không chỉ có tâm của người thầy thuốc mà còn toát lên sự nhiệt tình của một quân nhân giàu lòng nhân ái.
“Để dân tin yêu, không nghe theo một số phần tử xấu chống phá, xuyên tạc chủ trương đường lối cách mạng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì mình phải luôn bám dân, hiểu dân và giúp đỡ dân” - Danh Sil nói.
Hầu như mỗi khi đau ốm, người dân trên địa bàn đều tìm đến Đội Công tác CT47 để nhờ Danh Sil chữa trị. Dù ngày hay đêm hễ có ca bệnh nặng nào, Danh Sil đều có mặt kịp thời để cứu chữa mà không nề hà bất cứ điều gì.
Thấu hiểu nỗi vất vả, cơ cực của đồng bào mình, anh đã tìm cách giúp đỡ để họ dần vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như hộ anh Trần Bình, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, không đất sản xuất, anh là lao động chính phải nuôi mẹ già đã ngoài 80 và 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
Không chỉ đứng ra bảo lãnh cho anh Bình vay vốn tín chấp, anh Sil còn thường xuyên đến động viên và hỗ trợ về kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ vậy mà hiện nay cuộc sống gia đình anh Bình đã không còn chật vật như trước.
Danh Sil tâm sự: “Đa phần bà con ở đây đều khó khăn, có chuyện gì đều tìm đến bộ đội nhờ giúp đỡ, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe. Đồng bào mình còn nghèo, mình giúp đỡ họ là nghĩa vụ, là việc phải làm. Mỗi khi làm được gì đó có ích cho bà con, tôi cảm thấy thật hạnh phúc”.
Thế Hiển