Dân Việt

Biển người “rồng rắn” xem cây cầu gần 500 tỷ ở Quảng Nam

Trương Hồng 24/03/2017 10:21 GMT+7
Sáng nay (24.3), UBND tỉnh Quảng Nam đã khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Giao Thủy bắc qua sông Thu Bồn nối liền hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997-2017).

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân quanh khu vực đã chen chân đổ về đứng chật kín hai bên để tận mục cây cầu nhân ngày khánh thành mà người dân lâu nay hằng mong ước.

img

Cầu Giao Thủy nối nhịp sông Thu Bồn qua hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc.

Có mặt tại đây rất sớm, cụ Nguyễn Khải (80 tuổi, trú xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Thấy cây cầu được xây dựng nối nhịp đôi bờ tôi rất phấn khích. Nhân dân hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc không còn phải "lụy đò" nữa. Giao thương cũng được phát triển, đời sống nhân dân khu vực cũng được nâng lên. Phấn khởi quá nên từ sáng sớm tôi đã đi bộ ra để xem lễ khánh thành...”.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, đơn vị được giao làm chủ đầu tư cho biết: Dự án cầu Giao Thủy được xây dựng vĩnh cửu bằng bê thông cốt thép, có chiều rộng 12m, chiều dài cầu 1.023m. Đường dẫn 2 đầu cầu có chiều dài 4,29km nối hai xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) và Đại Hòa (huyện Đại Lộc). Tổng giá trị đầu tư đến khi khánh thành là 474 tỷ đồng.

“Cầu Giao Thủy là niềm mong đợi, khát vọng đôi bờ của bà con huyện Đại Lộc và Duy Xuyên. Cầu góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh, kết nối thông suốt các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn, rút ngắn giao thông đáng kể với thành phố Đà Nẵng, đóng vai trò đường gom của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội phía Tây Quảng Nam...” - ông Dự chia sẻ.

img

 Ngay từ sáng sớm đã có hàng ngàn người dân chen chân về khu vực tổ chức để xem lễ khánh thành.

img

img

Người dân đổ xô về khu vực để chiêm ngưõng cây cầu mong ước lâu nay.

img

img

Khu vực tổ chức lễ và hai bên thành cầu chật kín người dân.

img

img

Để xem lễ khánh thành, người dân còn trèo lên những ụ sắt rất nguy hiểm.