Dân Việt

Ca sĩ Thanh Lam thổn thức tâm sự cùng cha khi "Màu hoa đỏ" bị cấm

Hà My 24/03/2017 18:45 GMT+7
Thanh Lam buồn vì tại sao ca khúc "Màu hoa đỏ" có giá trị được ví như một di sản tinh thần đối với những người lính, lại bị đối xử một cách "tàn bạo".

Mới đây, trên facebook cá nhân của mình, ca sĩ Thanh Lam đã chia sẻ tâm sự của mình với người cha đã khuất về chuyện ca khúc "Màu hoa đỏ" của nhạc sĩ Thuận Yến bị cấm tại tỉnh Tiền Giang. Trong chia sẻ của mình, chị không oán trách, không lên án mà chỉ đặt một câu hỏi làm cho người đọc cảm thấy "lặng" người: "Phải chăng mọi giá trị đều thật mong manh?".

img

Thanh Lam cùng cha của mình, nhạc sĩ Thuận Yến, tác giả của ca khúc "Mùa hoa đỏ".

Thanh Lam chia sẻ trong quá khứ đã từng có những chuyện làm cho gia đình của cố nhạc sĩ Thuận Yến phải đau lòng vì tên tuổi của ông bị nâng lên, đặt xuống trong các lần xét duyệt giải thưởng. Chị viết trên trang cá nhân:

"Ba ơi! Con không nghĩ đến một ngày mọi người lại phải mất thời gian tranh cãi về việc ba có được giải thưởng của Bác Hồ hay không; ba đã yên nghỉ rồi tên tuổi ba lại bị nâng lên, đặt xuống; con đau lòng lắm nhưng cũng chỉ dám lặng lẽ chờ mong phản ứng của những người biết nghĩ.....

Mẹ; con và em cũng không muốn vì chuyện gia đình mình mà làm nặng lòng xã hội; cộng đồng nên tin vào lẽ phải trước sau gì cũng được công nhận và tôn vinh! Con thì bao dự án âm nhạc và cuộc sống bộn bề nhưng vẫn tranh thủ đi thu một album tặng ba và các bậc tiền bối; đang háo hức hoàn thiện lắm thì gặp lại "Màu hoa đỏ" của ba..."

Nhưng lần này thì không phải là câu chuyện về chiến sỹ hiến mình cho tổ quốc; chẳng phải tri ân sự ngã xuống lung linh của các anh hùng liệt sỹ; cũng chẳng phải là những buổi hoà nhạc tưởng niệm với giai điệu rung rinh trái tim triệu con người; giống như những lần khi cất lên khúc ca này mọi sân khấu con đều rưng rưng tự hào..."

img

Ca sĩ Thanh Lam thổn thức với người cha đã khuất của mình

Thanh Lam vẫn tin rằng cha của mình sẽ chỉ có một phản ứng rất đơn giản là "cười điềm nhiên" rồi cho qua về chuyện ca khúc đi cùng năm tháng của mình bị cấm. Nhưng chị trăn trở với những người lính đã khuất.

"Lần này là lại liên quan đến dừng; cấm; liên quan đến sai sót; đến lỗi vận hành hệ thống; liên quan đến văn hoá ba ạ. Con biết là như lúc còn sống; ba sẽ cười điềm nhiên rồi nói là "sai mà nhiều; đúng được bao nhiêu" để bỏ qua cho mọi sự vô minh... Con cũng đồng ý với ba!

Chỉ muốn tâm sự với ba là mỗi bài ca cách mạng ở hoàn cảnh này như một nén nhang; thắp lên rồi sao lại dựt xuống? Những giá trị đã trở thành di sản sao nỡ tàn bạo đập đi ?"

"Nhân danh điều gì để mang vàng thau cho lẫn lộn?

Cả cộng đồng lên tiếng ba ạ; mỗi người một góc nhìn; một người một cách phẫn nộ; một cách chỉ trích; một cách hoang mang...Con biết thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả; mọi lỗi lầm rồi sẽ qua đi; chuyện hôm nay sẽ là truyện kể của ngày mai; nhưng là phụ nữ con thấy đau ba ạ.

Đau trước sự tàn khốc của dòng đời làm đục dòng máu đỏ; đau trước sự vô tình làm tổn hại những mầm xanh; đau trước làn khói bụi làm cản những trong lành. Phải chăng mọi giá trị đều thật mong manh?"

img

Thanh Lam cũng là một ca sĩ từng thể hiện rất thành công bài hát "Mùa hoa đỏ"

Có nhiều người cùng lên tiếng với ca sĩ Thanh Lam. Facebooker Thành Lam chia sẻ: "Một việc làm tắc trách đã làm tổn thương sâu sắc tới cảm xúc của gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến và đông đảo người yêu dòng nhạc cách mạng. Rồi đây, lẽ phải sẽ chiến thắng khi dư luận đồng lên tiếng nhưng vết thương lòng ấy dễ gì nguôi".

"Nhân dân vẫn hát Màu hoa đỏ, vẫn biết phân biệt vàng thau. Bác Yến hiền hậu, trung trực, chắc cũng đang cười thầm nơi chín suối thôi Lam. Bình tâm nhé !" .  Facebooker Mỹ Linh Nguyễn động viên ca sĩ Thanh Lam.

Theo thông tin mới nhất, ca khúc "Mùa hoa đỏ" bị cấm phát hành tại Tiền Giang với lý do ca sĩ và người thu âm, thu hình... vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.