Albert Einstein. Ảnh: gizmodo.
Mặc dù còn tồn tại những tranh cãi do các nhà khoa học hiện đại chỉ nghiên cứu và chẩn bệnh của Albert Einstein thông qua tiểu sử của ông, nhưng có nhiều ý kiến đồng ý rằng, thiên tài này bị hội chứng Asperger (một dạng phổ tự kỉ nhẹ).
Ioan James trong bài báo “Singular Scientists” được xuất bản trên Tạp chí của Hội Y học Hoàng gia, cho biết, Einstein có rất nhiều dấu hiệu tự kỷ. Ông từng được mô tả là đứa trẻ cô đơn và mơ mộng, gặp khó khăn trong việc kết bạn. Ông thiếu kỹ năng xã hội, bị ám ảnh và hay đãng trí thuở thiếu thời.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Simon Baron- Cohen, chuyên gia về bệnh tự kỷ tại Đại học Cambridge, dẫn đầu cũng chỉ ra nhiều minh chứng khẳng định nhà khoa học đoạt giải Nobel mắc hội chứng Asperger.
Bài báo cáo đăng trên tạp chí New Scientist ngày 30.4.2003 cho biết, Einstein thường thui thủi một mình, hay lặp đi lặp lại các câu nói và chỉ chấm dứt những hiện tượng này khi lên 7. Ngay cả khi đã trưởng thành, những biểu hiện không bình thường vẫn tiếp tục.
Dù Einstein có mối quan hệ với phụ nữ, kết hôn và có ba đứa con nhưng cuộc hôn nhân gặp khó khăn vì tính nết của nhà khoa học đặc biệt. Tuy Einstein cho thấy tình yêu và mối quan tâm đối với con cái nhưng ông vẫn không thể chịu được khi chúng chạm vào mình.
Isaac Newton. Ảnh: emaze.
Baron-Cohen cho rằng cùng với Einstein,Issac Newton - một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim thuật người Anh, được ghi nhận là nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất, cũng có nhiều dấu hiệu tự kỷ.
Newton nhạy cảm với những lời chỉ trích, hiếm khi kết bạn và rất ghen tị. Các nhà nghiên cứu tin rằng người như ông thiếu kiên nhẫn với người khác, năng lực nắm bắt tâm trí chậm và đó là lý do tại sao họ chọn tách biệt với xung quanh.
Newton ít khi nói chuyện, chú tâm nhiều vào công việc đến nỗi quên cả ăn - đặc điểm tập trung cực đoan thường có ở người tự kỷ. Các nhà khoa học cho biết ông không giỏi giữ gìn hay kết bạn bởi ông không thân thiện và không biết làm thế nào để nói chuyện với những người mà ông coi là bạn. Theo lời kể, ông cũng quá lãnh đạm và dễ nổi nóng với số ít bạn bè mà ông có.
Newton còn dựa rất nhiều vào thói quen. Ví dụ, nếu ông đã lên kế hoạch giảng bài thì ông sẽ giảng bài bất kể có người nghe hay không. Ngoài tự kỷ, nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ ông mắc một số chứng bệnh thần kinh khác như rối loạn lưỡng cực, loạn thần, tâm thần phân liệt…
Michelangelo. Ảnh: Getty Images.
Michelangelo là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất trong kỷ nguyên cổ đại. Sự đa tài và sáng tạo của ông thể hiện rõ ràng qua những tác phẩm điêu khắc, hội họa và thơ. Nhưng một nghiên cứu của giáo sư Arshad M và Fitzgerald M đã đưa ra bằng chứng cho thấy Michelangelo có triệu chứng của hội chứng Asperger.
Ông là người cô đơn, ít hứng thú với các hoạt động xã hội cũng như thiếu kỹ năng giao tiếp. Ông đã luôn làm việc một mình và hoàn toàn bị ám ảnh bởi các kiệt tác của bản thân. Đặc biệt, những thành viên nam trong gia đình ông cũng có triệu chứng tương tự càng khiến giới nghiên cứu thêm khẳng định Michelangelo bị phổ tự kỷ nhẹ.
Thomas Jefferson. Ảnh: whitehouse.
Thomas Jefferson, nhà lãnh đạo cách mạng và là tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, cũng nằm trong danh sách những bộ óc thiên tài bị tự kỷ. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều suy đoán về bệnh thần kinh của Jefferson.
Trong bài phê bình cuốn sách "Kết nối Tự kỷ-ADHD: Bước tiến tới chẩn đoán chính xác và các liệu pháp hiệu quả hơn" (The ADHD-Autism Connection: A Step Toward More Accurate Diagnosis and Effective Treatments) của Diane M. Kennedy, Thomas Jefferson đã được đề cập đến như là một trong những người có tầm ảnh hưởng có triệu chứng tự kỷ.
Ngoài ra, trường hợp riêng của ông còn được trình bày trong cuốn sách "Chẩn đoán Jefferson: Bằng chứng của một điều kiện định hướng niềm tin, hành vi và mối liên hệ cá nhân" (Diagnosing Jefferson: Evidence of a Condition That Guided His Beliefs, Behavior, and Personal Associations) của Norm Ledgin.
Theo đó, tác giả mô tả Jefferson là một người lạ lùng, gặp khó khăn trong việc nói và nhạy cảm với tiếng ồn lớn.
Charles Darwin.
Charles Darwin được biết đến nhiều nhất nhờ đóng góp to lớn cho lý thuyết tiến hóa. Nhưng nghiên cứu của Giáo sư Michael Fitzgerald đưa ra một vài sự kiện cho thấy nhà khoa học này có thể đã bị tự kỷ.
Michael Fitzgerald nói Darwin là một đứa trẻ đơn độc, và ngay cả khi ông lớn lên thì ông vẫn thích tránh tương tác với mọi người càng nhiều càng tốt. Viết thư là phương tiện trao đổi ông ưa thích. Điều này tương tự như những người tự kỷ khác. Họ thường thông qua những cách khác để truyền thông thay vì nói trực tiếp.
Darwin đã thu thập, sưu tầm nhiều thứ và rất bị hấp dẫn bởi hóa học và thiết bị. Sự gắn kết với các vật và đối tượng nhất định như vậy là một đặc điểm khác thường thấy ở người tự kỷ. Ngoài ra, ông là người tư duy hình ảnh tương tự nhiều người tự kỷ vốn thường tư duy không gian và hình ảnh.
Wolfgang Amadeus Mozart. Ảnh: ytimg.
Mozart là thiên tài và hầu như chỉ tập trung vào âm nhạc từ năm 5 tuổi. Có một số báo cáo cho thấy sự liên quan giữa hành vi của Mozart với nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh bao gồm hội chứng Asperger và hội chứng Tourette (một phần của các bệnh giật cơ, được nhận ra do nhiều tật máy giật vận động và máy giật phát âm, bao gồm chứng nói tục (coprolalia), nhại lời người khác (echolalia), hay lặp lại lời của mình (palilalia) - những tật này lúc tăng lúc giảm và có thể được kiểm soát tạm thời).
Sự ám ảnh của ông với những suy nghĩ và vật thể vô tri vô giác, sự lặp đi lặp lại của một số cử động, biểu hiện khuôn mặt bất thường và sự thay đổi tâm trạng thất thường chỉ ra rằng ông có thể bị tự kỷ.
Được biết, ông từng nhảy lên bàn lên ghế kêu và nhào lộn như mèo. Các bức thư của ông cho thấy biểu hiện của chứng nhại lời - hướng giao tiếp của những người bị tự kỷ. Dù cho có vô số đặc điểm tự kỷ nhưng Mozart vẫn là một nhà soạn nhạc nổi bật trong thời đại của ông và có lẽ là nhạc sĩ vĩ đại nhất thế giới người ta từng biết đến.