Dân Việt

Đồng bào Cor bước vào mùa lên núi "hái tiền"

Bảo Ngọc 25/03/2017 19:10 GMT+7
Thời điểm này, người đồng bào Cor ở vùng cao Trà Bồng đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch quế. Vỏ quế năm nay có giá cao hơn mọi năm nên đã giúp nhiều hộ dân có nguồn thu đáng kể từ cây trồng này.

Mùa lên núi “hái tiền”

Về thủ phủ quế những ngày này, mọi người sẽ thấy không khí rộn ràng hẳn ra, Trên các trục đường xuyên xã, liên thôn ở vùng cao Trà Bồng đâu đâu cũng ngào ngạt hương quế. Đang vào thời điểm bước vào mùa thu hoạch quế nên bà con đồng bào Cor ai cũng tranh thủ lên rẫy lột vỏ quế mang về bán cho thương lái. 

img

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân lên rừng khai thác quế

Dưới cái nắng oi ả, những giọt mồ hôi thấm đẫm nhọc nhằn không làm phai được niềm vui trên gương mặt của mỗi người. Ánh mắt người nào cũng như biết cười vì năm quế được giá.

Anh Hồ Văn Dinh ở thôn Nguyên, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) hồ hởi: Năm nay quế có giá cao, nên người dân chúng tôi ai cũng mừng. Tùy theo chất lượng vỏ quế, Hiện nay 1 kg vỏ quế tươi giá có giá bình quân từ 15 nghìn đồng đến 17 nghìn đồng, quế khô có giá 36 nghìn đồng đến 37 nghìn đồng. Anh Dinh cũng cho hay, hiện tại có khoảng 1.000 cây quế đang cho thu hoạch, trong tổng số hơn 5.000 cây gia đình anh trồng trên rẫy. Với chừng ấy, ước tính vụ thu hoạch năm nay gia đình anh sẽ thu về vài chục triệu đồng.

Cùng chung niềm vui với anh Dinh, chị Hồ Thị Non ở xã Trà Thủy cũng rất phấn khởi vì những năm gần đây cây quế có giá khiến cho cuộc sống của gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định từ cây trồng truyền thống này. “Từ đầu vụ đến giờ, nhà mình đã thu hoạch và bán được hơn 10 triệu đồng tiền quế rồi. Nhờ có tiền bán quế mà mình trang trải cuộc sống hàng ngày và chi tiêu thoải mái hơn”- chị Non chia sẻ. 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, dù quế có giá cao, nhưng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, quế chậm tróc vỏ nên thời điểm này lượng quế bà con thu hoạch chưa nhiều. "Mọi năm, tầm này, mỗi ngày tôi thu mua khoảng trên cả tấn, thế nhưng năm nay chỉ mua được khoảng 500 kg/ngày. Hy vọng, thời gian tới, thời tiết tốt, người dân lên rẫy thu hoạch rầm rộ, lượng quế thu mua vào sẽ tăng cao hơn. Những năm gần đây, nhờ đầu ra cây quế rất ổn định nên lượng quế cơ sở tôi thu mua về đều được vận chuyển tiêu thụ nhanh chóng”-  bà Lâm Thị Thu Hiền, chủ một cơ sở thu mua quế ở xã Trà Thủy (Trà Bồng) cho biết. 

img

Giá cao, đầu ra ổn định mang lại niềm vui lớn cho người trồng quế

Theo kinh nghiệm của người trồng quế, mỗi năm có hai đợt thu hoạch quế. Đợt một bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 3 và đợt hai từ tháng 7 đến tháng 8 (âm lịch). Trong khoảng thời gian này vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu.

Mặc dù cây quế có tuổi đời khá dài, song so với các loại cây nguyên liệu khác thì cây quế có giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Tất cả sản phẩm của cây quế như vỏ quế, thân, lá và cành quế người trồng quế đều có thể bán được cho các cơ sở sản xuất dùng làm nguyên liệu chế biến. Chính bởi ưu điểm này mà sản phẩm từ quế luôn cho giá trị kinh tế cao trên thị trường. Quế trở thành cây trồng mũi nhọn của và là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của không ít gia đình. 

Hiện tại, hầu như bà con đồng bào Cor ở Trà Bồng nhà nào cũng trồng quế. Quế được  trồng ở khắp mọi nơi, trong rừng, trên đồi, quanh nhà…Hộ ít nhất cũng hơn một nghìn cây, nhiều thì tới vài ha. Vì thế, nhiều bà con đồng bào Cor  ví mùa thu hoạch quế là mùa vui, mùa “nhặt tiền”, bởi cây quế mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho người dân. Tùy thuộc vào diện tích quế cho thu hoạch của từng gia đình mà có gia đình thu nhập vài triệu đồng, gia đình thu được hàng chục đồng trong mỗi mùa thu hoạch quế.  

 Hướng tới mở rộng vùng chuyên canh quế

Cây quế từ bao đời nay đã trở thành cây trồng truyền thống mang lại thu nhập chính cho đồng bào Cor Trà Bồng. Tuy nhiên, thực tế chung cho thấy diện tích trồng quế ở địa phương này còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chưa cân xứng với tiềm năng sẵn có. Các nông hộ vẫn chủ yếu duy trì lối canh tác thủ công, lạc hậu chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sự đột phá lớn trong sản xuất; chưa chú trọng việc trồng giống quế thuần và chưa quan tâm nhiều đến việc thâm canh tăng năng suất nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Nhằm quản lý, bảo tồn nguồn gen quý, tạo nên hệ sinh thái đa dạng về thành phần loài, giữ vững được vốn rừng hiện có; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng ở địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định, huyện Trà Bồng đã tính toán đến chuyện đầu tư mở rộng vùng chuyên canh cây quế trên địa bàn, trong giai đoạn 5 năm (2016- 2020).

img

Người dân vui vì cây quế cho nguồn thu nhập cao và ổn định

Theo đó, “Dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế” được huyện Trà Bồng xây dựng với diện tích lên tới hơn 1.700ha. Dự án sẽ được triển khai tại 7 xã gồm: Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân, Trà Giang với 324 hộ dân và 4 nhóm cộng đồng dân cư tham gia.

Bình quân dự án sẽ trồng 343ha quế/năm. Ba giống quế được huyện chọn trồng là giống quế Trà Bồng, Thanh Hóa và Lạng Sơn, trong đó vẫn ưu tiên cơ cấu giống bản địa, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng giống quế Trà Bồng đạt trên 80%. Mục tiêu của dự án là đến năm 2020 nâng tổng diện tích trồng quế toàn huyện lên 2.800ha, trong đó hơn 1.780ha vùng chuyên canh; hằng năm cung ứng ra thị trường hơn 3.100 tấn vỏ quế và 4.200 tấn cành, lá. 

Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn; các cơ sở chế biến quế nhỏ lẻ và các thương lái trong và ngoài tỉnh. Hiện các cơ sở, đơn vị này đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu để phục vụ cho việc chế biến phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển mạnh thương hiệu quế Trà Bồng trong tương lai.

“Dự án này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Nó nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng quế, cung cấp nguồn nguyên liệu quế có giá trị cao cho công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phòng chống những tác động xấu của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất đai, nguồn nước, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện môi trường đất và không khí, góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa”- ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết.