Không hiểu cũng ký
Ông Lê Điều - chủ tàu cá QNg 96279 và Bùi Hoàng - chủ tàu cá QNg 96259 TS (huyện Lý Sơn), nạn nhân của vụ “xuất ngoại” cho biết: Đầu năm 2009, thấy một số tàu cá ở Lý Sơn ký hợp đồng đi khai thác hải sản tại ngư trường Indonesia trở về, thu nhập khá cao, nên cuối năm đó, hai ông đã ký hợp đồng đưa 2 tàu cá của mình cùng 20 ngư dân đi khai thác hải sản tại ngư trường Indonesia.
Hầu hết ngư dân vẫn thiếu thông tin về việc ra ngư trường nước ngoài đánh bắt. |
Thời hạn của việc xuất ngoại là 1 năm, thông qua một người môi giới từ đất liền. Để có được những điều kiện vào ngư trường Indonesia, 2 chủ tàu cá đã chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi cho đủ số tiền 840 triệu đồng để nộp cho Công ty CP Đầu tư Đại Dương ở TP.HCM và Công ty PT Papua Fishery Development của một ông chủ người Việt có trụ sở tại Indonesia. Đổi lại, họ nhận được một đống giấy tờ toàn bằng tiếng nước ngoài mà không ai trong số họ hiểu nội dung là gì!
Đầu năm 2011, các công ty môi giới nói trên thông báo đã hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh, và đề nghị ông Hoàng, ông Điều cho tàu cùng 20 lao động rời Việt Nam qua ngư trường Indonesia để hành nghề theo cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, khi đến Indonesia, vì thủ tục không hợp lệ nên các tàu cá cùng số lao động đi trên tàu bị cơ quan chức năng nước bạn tạm giữ để giải quyết.
Tương tự như thế, ông Bùi Giống và ông Nguyễn Trường (cùng ở xã Hưng Hải, huyện Lý Sơn) cũng làm thủ tục để xuất ngoại đánh cá thông qua một trung tâm môi giới. Ông Giống cho biết: “Tôi làm thủ tục, rồi đóng 180 triệu đồng để được sang Malaysia đánh cá. Nhưng, vừa đến nơi đã bị chính quyền sở tại giữ cả thuyền trị giá gần 1 tỷ đồng, còn 11 lao động trên tàu cũng bị bắt giữ gần 6 tháng. Vay được tiền chuộc người, chuộc tàu thì gia đình tôi đã trắng tay. Giờ tôi chỉ biết theo bạn đánh cá thuê thôi”.
Khốn đốn vì xuất ngoại
Ông Lê Điều cho hay, trong thời gian bị tạm giữ tại Indonesia, ông đã nhiều lần liên hệ và đề nghị với đại diện công ty môi giới sớm có biện pháp giải quyết, nhưng đều bị từ chối. Họ đưa ra lý do 2 tàu cá trên vi phạm hợp đồng nên phải nộp phạt và họ yêu cầu mỗi tàu nếu muốn hoạt động thì phải nộp số tiền là 55.000USD để hoàn tất thủ tục nhập cảnh.
Thuyền trưởng Bùi Triết - nạn nhân trong vụ đưa tàu đi khai thác hải sản tại Indonesia. |
Thấy yêu cầu vô lý nên 2 chủ tàu cá cùng các ngư dân đã kịch liệt phản đối việc làm mập mờ và vô trách nhiệm theo kiểu “đem con bỏ chợ” của công ty môi giới. Họ yêu cầu phải giải quyết để số ngư dân trên sớm ra khơi hành nghề theo thỏa thuận, nhưng không nhận được câu trả lời nào.
Không thể chờ đợi lâu hơn nữa và biết có khả năng bị lừa, các ngư dân đã viết đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng của Việt Nam và Indonesia nhờ giải quyết để sớm được về nước. Sau nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng 2 nước, 2 tàu cá cùng 20 ngư dân đã được thả về nước.
Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi: Ngư dân nên đăng ký với ngành chức năng
Nhiều ngư dân, chủ tàu khi đưa phương tiện sang nước bạn đánh bắt, do hồ sơ không đúng, thiếu, bất hợp pháp... nên đã bị cơ quan thẩm quyền nước bạn bắt giam, phạt tiền. Để tránh thiệt hại không đáng có, trong thời gian tới, những ngư dân và chủ tàu nào có ý định sang nước bạn khai thác, cần đến UBND huyện hoặc các cấp ngành liên quan của tỉnh để được hướng dẫn. Sở NNPTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ ngư dân tìm hiểu quy trình xuất ngoại đánh bắt và làm các thủ tục liên quan.
Công Xuân
Theo ông Lê Điều, suốt thời gian gần 8 tháng bị tam giữ trên đất Indonesia, công ty môi giới đã bỏ mặc 20 ngư dân. Tổng số tiền mà hai tàu này tiêu tốn lên tới 2 tỷ đồng. Để trả nợ nần, mới đây ông Hoàng và ông Điều đã phải bán rẻ 2 tàu cá của mình.
Ngư dân Nguyễn Trường - người lâm cảnh mất cả tàu đánh cá vì bị thu giữ cho biết: “Chúng tôi là ngư dân, nghe đâu có nguồn lợi là đi đánh bắt. Đi đánh bắt ở nước bạn thì nhiều nguồn lợi nhưng cũng quá nhiều rủi ro. Đáng lẽ, chính quyền địa phương, ngành chức năng phải có khuyến cáo hoặc làm giúp thủ tục ngư dân thì tình hình đâu đến nỗi tệ”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Hầu hết số tàu cá của địa phương hợp đồng đi khai thác hải sản tại ngư trường nước ngoài đều thông qua môi giới nên chính quyền không hay biết, đến khi đổ bể thì họ mới có đơn kêu cứu.
Hiện nay để giải quyết vấn đề này, UBND huyện chỉ đạo cho các ngành chức năng hướng dẫn ngư dân hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để các cơ quan chức năng vào cuộc, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân bị hại.
Phải hiểu luật pháp của nước bạn
Trao đổi với NTNN ngày 29.11 về tình trạng nhiều ngư dân xuất ngoại đánh cá bị lừa, ông Phạm Anh Tuấn (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện nay có 2 loại hình xuất ngoại đánh cá là đi bằng thuyền của mình và đi đánh bắt thuê cho thuyền nước ngoài. Phần lớn ngư dân xuất ngoại đánh cá là theo môi giới của các trung tâm.
Ông có thể cho biết những lợi ích và khó khăn mà ngư dân gặp phải khi sang đánh bắt ở các ngư trường nước ngoài?
- Thực tế các ngư trường nước ngoài có trữ lượng thuỷ sản còn rất dồi dào, giá trị cao nên lợi nhuận của các chủ tàu, ngư dân cũng khá. Tuy nhiên, ngư dân chúng ta trình độ ngoại ngữ và hiểu biết luật pháp nước bạn còn hạn chế. Đây là rào cản và cũng là nguyên nhân gây ra những sự cố đáng tiếc.
Có một thực tế là không ít ngư dân đã trở về tay trắng, thậm chí còn bỏ mạng ở xứ người?
- Đây là những hệ quả đau xót. Việc ngư dân đi ra nước ngoài theo các trung tâm môi giới không được đào tạo bài bản ở những cơ sở hiện có (của Tổng cục Thuỷ sản-PV) nên khó ứng phó với những tình huống bất thường xảy ra trong quá trình lao động trên biển; thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trung tâm môi giới đưa ngư dân vào những cơ sở đào tạo chưa được cấp phép nên chứng chỉ của họ cũng rất nhập nhằng, thiếu độ tin cậy.
Theo ông, ngư dân cần phải làm gì để đối phó với sự cố khi khai thác các ngư trường nước ngoài?
- Đối với các chủ tàu đi sang ngư trường nước ngoài khai thác cần phải hiểu luật pháp ở nước sở tại trong hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản. Khi khai thác nhất thiết phải được cấp giấy phép và đặc biệt chỉ khai thác ở vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia đó.
Hữu Thông (thực hiện)
Văn Mịnh