Công an tỉnh Quảng Ngãi đang vào cuộc để điều tra và làm sáng tỏ việc một số “cò” chuyên về các địa phương ven biển của tỉnh này để mời gọi ngư dân xuất ngoại sang các nước Đông Nam Á, chủ yếu là Indonesia đánh bắt cá.
Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, trong 2 năm 2009-2010, có khoảng trên 200 lao động là những ngư dân lão luyện đã xuất ngoại theo đường “cò”, nhưng có đến 50% trong số đó đang rơi vào tình cảnh tán gia bại sản.
Lý do là phí tổn để lo cho chuyến xuất ngoại quá lớn nhưng sang nước ngoài lại không được hành nghề vì vi phạm một số quy định về an ninh lẫn những thủ tục để ra khơi đánh bắt. Vụ mới đây nhất là 13 ngư dân thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) đã trắng tay sau khi bị đám “cò” lừa gạt. Trớ trêu là đám “cò” này chính là người trong xã. Ngư dân đã đặt trọn niềm tin vào đám “con em địa phương”.
Xuất phát từ thực tế là một số ngư dân đã “đi chui” sang Indonesia khai thác hải sản và trúng lớn, khi trở lại quê nhà, họ rỉ tai nhau về khoản thu nhập cao từ việc đánh cá nên không ít người thấy thế lao theo, bất chấp những rủi ro đang chờ đợi. Bình quân mỗi tàu đánh cá xuất ngoại có khoảng từ 10-13 lao động, phí tốn phải nộp cho đám “cò” tổng cộng khoảng 500 triệu đồng.
Thực ra số tiền trên không quá lớn so với một tàu đánh bắt xa bờ, song hiệu quả mà nó mang lại trong nhiều trường hợp chỉ là con số không. Sau khi lấy xong phần tiền môi giới, đám “cò” đã “cao chạy xa bay”, bỏ mặc ngư dân tự bơi với một đống thủ tục giấy tờ toàn bằng tiếng nước ngoài. Đã mất 500 triệu đồng tiền môi giới cho đám “cò” mồi, giờ phải nộp thêm cả tỷ đồng tiền phạt, nhiều ngư dân tán gia bại sản.
Trước khi xuất ngoại, cả ngư dân và chủ tàu đều không “thuộc bài” về pháp luật của nước mà mình sắp sang hành nghề, chỉ chăm chắm vào mỗi một việc là đánh bắt hải sản sao cho hiệu quả nhất. Họ cũng không cần đếm xỉa đến gặp cơ quan chức năng ở địa phương để được nghe tư vấn mà chỉ nhắm mắt đi liều.
Ở nước bạn, pháp luật của họ rất nghiêm, nhất là các quy định về đánh bắt hải sản. Năm 2009, chỉ hai tàu cá ở tỉnh Bình Thuận đã phải cay đắng nộp phạt vì đã vượt quá vùng biển mà mình đã đăng ký hành nghề do thiết bị vệ tinh được nước sở tại gắn trên tàu báo về.
Tương tự như vậy, hai tàu cá của Lý Sơn đã không được nhập cảnh và làm các thủ tục để ra khơi do không cho cơ quan quản lý của nước bạn gắn thiết bị vệ tinh trên tàu vì sợ “lộ” hành tung của mình là đi lặn bắt hải sâm mà đăng ký hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Sự lỏng lẻo trong quản lý việc hành nghề đối với ngư dân của các cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay vô tình đã khiến cho các tàu cá của Việt Nam “nhờn thuốc”.
Xuất ngoại để khai thác hải sản đang là “hướng ra” cho nhiều ngư dân, song chính quyền các địa phương cũng cần phải đưa việc này vào quy củ chứ không thể mạnh ai nấy xuất ngoại như lâu nay được. Vì vậy, hiệu quả đánh bắt hải sản ở nước ngoài rất cao nhưng đường đi của ngư dân xuất ngoại vẫn còn gập ghềnh là vì thế.
Hà Nhiên