Tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép vẫn diễn biến phức tạp (ảnh IT)
Trong thông báo kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có nêu rõ:
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Điều chuyển, kiến nghị điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý kéo dài, nghiêm trọng; có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện đúng công tác luân chuyển cán bộ; xây dựng lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự trong sạch, vững mạnh.
Là người từng có nhiều phát biểu mạnh mẽ về việc công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bà Nguyễn Thị Khá - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận: Buôn lậu còn là vấn đề dài. "Kết luận nêu trên của Phó Thủ tướng Chính phủ tôi thấy thể hiện sự quyết tâm rất cao trong công tác phòng, chống buôn lậu, vấn đề phải thực hiện nghiêm"- bà Khá nói.
Theo bà Khá để phát hiện người đứng đầu cơ quan phòng, chống buôn lậu có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là rất khó. "Vấn đề bảo kê, bao che nó thuộc về lợi ích, việc này thường được thực hiện rất kín kẽ, móc nối với nhau theo hệ thống. Chỉ phát hiện có hay không tình trạng bao che, bảo kê cho buôn lậu chỉ còn cách thanh tra, kiểm tra thường xuyên, khi thanh tra, kiểm tra không thông báo trước" - bà Khá nói.
Vẫn theo bà Khá, ở đâu xảy ra tình trạng buôn lậu thì yêu cầu lãnh đạo trực tiếp ở chịu trách nhiệm, chứ nói quy trách nhiệm lãnh đạo chung chung là không được.
Có cùng quan điểm với bà Khá, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: Dấu hiệu bao che, bảo kê cho buôn lậu không dễ phát hiện ra. "Trên thực tế có thể có tình trạng bao che, bảo kê diễn ra nhưng để phát hiện ra dấu hiệu đó không phải dễ, vì họ hoạt động theo tổ chức, làm kín kẽ" - ông Phong nói.
Vị Phó Chủ nhiệm này cho biết thêm, để phòng ngừa việc cán bộ bao che, bảo kê cho buôn lậu, việc luân chuyển cán bộ là như kết luận mà Phó Thủ tướng đã đề cập là rất cần thiết. "Đối với cán bộ lãnh đạo làm công tác phòng, chống buôn lậu trong khoảng thời gian 1 -2 năm lại luân chuyển họ sang khu vực khác, rồi lại đưa người từ nơi khác về chỗ của họ. Làm như vậy những người lãnh đạo sẽ không có thời gian tạo "vây cánh", không có cơ hội móc nối để bảo kê. Làm theo cách này về mặt tư tưởng cán bộ có thể sẽ có chuyện này chuyện kia nhưng không làm như vậy thì không giải quyết căn cơ được vấn đề" - ông Đặng Thuần Phong nói.