Theo trung tá Võ Nam Hưng, điều tra viên Đội Điều tra xét hỏi, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.Hà Nội thông tin: “Nguyễn Văn Điệp (SN 1984), học hết 12/12 ở quê tại xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, rồi ra Hà Nội kiếm việc làm và thuê trọ tại ngõ 10, phố Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình. Điệp có ngoại hình khá bảnh trai, cùng với tài ăn nói khéo léo, nên dễ thu phục lòng người bằng những câu chuyện anh ta “chém gió” để phục vụ mục đích lừa đảo”.
Đối tượng Nguyễn Văn Điệp.
Theo tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra ban đầu của cơ quan công an, tháng 9.2015, thông qua các mối quan hệ ở Hà Nội, Điệp đã tự giới thiệu với một số người quen rằng, anh ta đang làm tại một ngân hàng ở phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội và có nhiều mối quan hệ với các giới lãnh đạo, có khả năng xin học và làm việc trong lực lượng Công an nhân dân (CAND), cũng như trong một số cơ quan Nhà nước quan trọng khác.
Nghe Điệp “chém gió” tưởng là thật, vợ chồng anh Nguyễn Văn P (SN 1980, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và chị Lê Thu H (SN 1981, ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã mời chào nhiều người quen có nhu cầu xin học và xin việc làm trong lực lượng CAND, cũng như một số lĩnh vực khác để nộp hồ sơ và tiền cho Điệp.
Trao đổi với phóng viên về thủ đoạn lừa đảo của đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng, trung tá Võ Nam Hưng cho biết lúc bị bắt, Điệp khai từ khi rời quê đặt chân đến Hà Nội, thanh niên này đau đáu “phải làm giàu bằng mọi cách”. Và, anh ta quyết định chọn cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết các vấn đề xã hội.
Để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, Điệp lên mạng Internet nghiên cứu những thông tin liên quan đến tuyển sinh và tuyển lao động vào lực lượng CAND cũng như một số ngành khác. Cùng với tài ăn nói khéo léo, Điệp đã “chém gió” để khách hàng tin là thật, đưa tiền và hồ sơ xin việc làm hoặc đi học cho đối tượng. Trên thực tế, Điệp không có bất cứ mối quan hệ gì với các cơ quan chức năng để xin việc cho bất cứ ai.
Một thủ đoạn tinh vi khác cũng được Điệp áp dụng để qua mặt các nạn nhân bị anh ta lừa đảo chiếm đoạt tiền, đó là sau khi khâu trung gian là các anh P và chị H nhận hồ sơ và tiền “lệ phí” xin học, làm việc, Điệp thường đưa cho nạn nhân giấy hẹn giả và số điện thoại của mình, nhưng lại nói đó là số của những người có trách nhiệm bên tuyển sinh hoặc tuyển dụng lao động. Sau đó, anh ta hẹn các nạn nhân đến một thời gian nhất định thì điện thoại kiểm tra và Điệp trực tiếp nghe máy rồi hẹn họ đến cổng cơ quan này, học viện nọ để chờ… “người có trách nhiệm” ra tiếp đón. Tuy nhiên, sau khi khách đến điểm hẹn đều gặp Điệp và đối tượng đã viện lý do này nọ để thu lại giấy hẹn, tránh bị lực lượng công an phát hiện hành vi lừa đảo rồi cắt đứt liên lạc.
Theo anh P và chị H, là những “đối tác” làm cầu nối giữa Điệp với khách hàng cho biết, họ đã phải bỏ tiền cá nhân chi trả cho nhiều nạn nhân là quan hệ xã hội, nên không biết địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, sau khi trả tiền đền bù không thực hiện được hợp đồng xin việc làm và xin học, anh P và chị H cũng không liên hệ với những người này nữa.
Tính đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội đã làm rõ số tiền Điệp nhận của các “đối tác” và hứa sẽ “chạy” được việc làm cũng như xin học cho họ lên tới hơn 7 tỷ đồng. Điệp đã thanh toán cho một số nạn nhân khoảng 4 tỷ đồng, còn nợ hơn 3 tỷ đồng.
“Số nạn nhân trong các vụ lừa đảo do Điệp gây ra có tới gần 40 trường hợp. Tuy nhiên, rất ít người đến cơ quan công an trình báo, gây khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan công an” - trung tá Võ Nam Hưng chia sẻ và nhấn mạnh: “Để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các bị can trước pháp luật và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho nạn nhân các vụ lừa đảo, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội đề nghị những người liên quan đến các vụ án do Nguyễn Văn Điệp gây ra, đến Đội Điều tra xét hỏi, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.Hà Nội để giải quyết (ĐC: Số 7 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - điện thoại: 0904119988 để giải quyết”.