Ông Lê Văn Quang nói: Câu chuyện con tôm Việt Nam xuất khẩu bị trả về được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn không thể dẹp được. Tình trạng tôm bơm tạp chất thuộc trách nhiệm cơ quan nhà nước. Vì nhiều năm qua, cơ quan nhà nước chưa có biện pháp mạnh mẽ đối với hành vi này. Hành động này mang lại lợi nhuận rất lớn, tương đương với buôn bán ma túy. Do đó, nếu không xử lý hình sự thì không sẽ thể dẹp được.
Thưa ông, con số 10 tỷ USD xuất khẩu của ngành tôm liệu có khả thi?
- Theo tôi, con số mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết của tôm Việt Nam là làm sao phải có nguyên liệu dồi dào đủ đáp ứng công suất cho nhà máy đạt công suất 70% trở lên, làm sao giá thành con tôm Việt phải cạnh tranh được tôm Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan... Hiện tại giá thành của ta cao hơn các nước trên. Chúng tôi làm việc với nhiều nhà nhập khẩu tôm của Việt Nam họ nói rằng: Giá tôm của Việt Nam mà chỉ còn cao hơn Ấn Độ, Malaysia cỡ 5.000 đồng/kg thì các nước sẽ dồn hết sang mua tôm Việt Nam. Con số 10 tỷ USD xuất khẩu là trong tầm tay.
Từ câu chuyện của chúng tôi, các nhà máy của Minh Phú mà hoạt động hết công suất thì mỗi năm cũng mang về 1,5 tỷ USD rồi. Trong 10 tỷ USD Minh Phú cam kết trước Thủ tướng sẽ góp 2 tỷ USD đâu có quá khó nếu đủ nguyên liệu, giá thành tôm giảm, giá tôm xuất khẩu cạnh tranh hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm dây chuyền chế biến tôm công nghệ cao của Minh Phú. Ảnh: VGP
Thưa ông, giống tôm chưa sạch bệnh của ta là một trong những nguyên nhân khiến năng suất đang rất hạn chế, bị ảnh hưởng nhiều do bệnh tật. Ông nghĩ thế nào?
- Hiện nay các nước đã sản xuất được con giống kháng bệnh, kháng được cả những bệnh rất nguy hiểm đối với nghề nuôi tôm là: Bệnh EMS (chết nhanh) và đốm trắng, thậm chí là cả bệnh chậm lớn. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn loay hoay với con giống sạch bệnh thì sao được? Giống sạch bệnh mà thả vào môi trường nuôi không sạch bệnh thì cũng vô nghĩa. Để nhập được tôm giống bố mẹ kháng bệnh về Việt Nam lại rất khó khăn do vướng nhiều quy định rắc rối về thủ tục.
Minh Phú đã nhập tôm bố mẹ kháng bệnh về để sản xuất tôm giống phục vụ sản xuất nhưng khi về tới cửa khẩu sân bay lại bị các cơ quan hữu quan buộc phải tiêu hủy. Nguyên nhân là tôm kháng bệnh thì... không sạch bệnh. Mà theo quy định hiện nay khi kiểm dịch phát hiện có bệnh là phải tiêu hủy. Muốn có tôm giống kháng bệnh để phục vụ sản xuất theo tôi, các bộ ngành cần sớm điều chỉnh quy định này.
Thưa ông, một trong những trở ngại đối với mục tiêu 10 tỷ USD của ngành tôm là giá thức ăn, vật tư, thuốc... tới tay người nuôi tôm còn quá cao. Bất cập này sẽ gây khó khăn ra sao với người nuôi?
- Do có quá nhiều nấc trung gian lại chiết khấu rất cao khiến giá thức ăn, dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh cho nuôi tôm quá cao là lực cản tiến tới khát vọng 10 tỷ USD của ngành tôm. Qua rất nhiều tầng lớp trung gian với mức chiết khấu rất cao làm đội giá cao thêm 50%, hoặc thậm chí có thuốc, có chế phẩm vi sinh đội giá lên gấp 2, gấp 3 lần, vì thế, lại một lần nữa giết chết dần các hộ nuôi tôm, các doanh nghiệp nuôi tôm. Cũng chính vì qua rất nhiều tầng, nhiều lớp trung gian nên cơ quan nhà nước rất khó quản lý, làm sinh ra nhiều sản phẩm giả , sản phẩm nhái…người nuôi tôm càng sử dụng nuôi tôm càng chết. Hệ thống trung gian nhiều tầng nhiều lớp này tư vấn và bán thuốc kháng sinh cho nguời nuôi tôm dẫn đến tình trạng quá lạm dụng kháng sinh, nên tôm thương phẩm của Việt Nam bị nhiễm kháng sinh với tỷ lệ rất cao nên càng khó vào Nhật, EU, Mỹ.
Chế biến xuất khẩu tôm tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Ngọc Thọ
Chúng ta mua giá cao hơn vì buôn bán qua rất nhiều trung gian, đại lý cấp 1, 2, 3, 4… mỗi cấp thêm vài ngàn đồng, nên đẩy giá tăng lên. Chỉ có những đại lý cấp dưới mới có thể thu được tiền thức ăn. Họ cộng thêm 5.000 – 6.000 đồng/kg, thậm chí 10.000 đồng/kg tôm để bù vào tình trạng nếu như không thu được tiền thức ăn.
Để giải quyết vấn đề này, nếu doanh nghiệp xã hội liên kết với doanh nghiệp cung cấp thì giá sẽ không bị đẩy lên, giá thức ăn tôm cũng vậy.
Thực tế khi Thủ tướng đã dùng từ “tuyên chiến” có nghĩa là Chính phủ đã rất quyết tâm dẹp bỏ tận gốc vấn nạn kháng sinh, bơm tạp chất vào tôm, giờ chỉ là các cơ quan cấp dưới thực thi ra sao thôi”. |
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và bản thân ông cũng đã “nhận” nhiệm vụ trước Thủ tướng là đóng góp 2 tỷ USD xuất khẩu trong tổng số 10 tỷ USD của ngành tôm, ông có thể chia sẻ vì sao ông cam kết như vậy?
- Thủ tướng đã đến thăm Minh Phú và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tham gia chỉ đạo hội nghị đầu tiên về ngành tôm, đó không chỉ là thông điệp gửi đến Minh Phú, đến người dân nuôi tôm và cả ngành tôm mà còn là sự ủng hộ hết mình của Chính phủ đối với ngành tôm nữa. Minh Phú cũng rất may mắn là đúng thời điểm đó chúng tôi vừa đưa ra mô hình doanh nghiệp xã hội và đã trình bày vấn đề này trước Thủ tướng. Sau khi trình bày, Thủ tướng đã hoan nghênh và ủng hộ Minh Phú triển khai mô hình này một cách sâu, rộng. Khi được động viên và cổ vũ thì chúng tôi càng quyết tâm hơn, nhất là khi Thủ tướng phát biểu đã đến lúc chúng ta phải tuyên chiến với tệ nạn bơm chích tạp chất, tôi thấy rất xúc động.
Thực tế thì khi Thủ tướng đã dùng từ “tuyên chiến” có nghĩa là Chính phủ đã rất quyết tâm trong việc dẹp bỏ vấn nạn kháng sinh, bơm tạp chất vào tôm, giờ chỉ là các cơ quan cấp dưới thực thi ra sao thôi.
Một trong những băn khoăn của nông dân nuôi tôm là giải quyết chuyện đồng vốn, tín dụng, ông có giải pháp nào?
- Tôi từng được mời sang Philippines trình bày trước Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về mô hình doanh nghiệp xã hội. Sau khi nghe tôi trình bày xong, lãnh đạo ADB nói rằng họ chuẩn bị sẵn sàng một khoản vay 100 triệu USD với lãi suất 0% với điều kiện Minh Phú đứng ra chịu trách nhiệm về khoản vay. Nếu chúng ta đưa được tỷ lệ thành công trong nuôi tôm lên tới 70-80% thì nhiều tổ chức sẽ cho ta vay tiền. Tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Thế giới cũng muốn hỗ trợ một gói tín dụng cho nuôi tôm. Có thể nói, cơ hội đang rất lớn với ngành tôm.
Xin cảm ơn ông!