Mì gõ, hủ tiếu gõ có mặt trên phố Sài Gòn từ những năm trước 1975. Thời đó, hình ảnh các cậu bé cầm hai thanh tre dày gõ vào nhau nghe tiếng lốc cốc kèm tiếng rao "xực tắc..xực tắc", khi có khách gọi thì quay về xe hủ tíu nấu rồi bưng đến cho khách, đã không còn lạ. Từ tiếng gõ vốn quen thuộc nơi góc phố, chính danh ẩm thực mì gõ, hủ tiếu gõ ra đời.
Xe mì gõ xưa thường do các ông chủ người Việt hoặc người Hoa đứng bán, bẵng đi nhiều năm, món ăn này không còn thịnh hành. Tuy nhiên từ những năm 1990, mì gõ hủ tiếu lại tái xuất, chỉ khác một điều, tô mì thời này không phải do người Sài Gòn đứng bán mà đầu bếp là dân miền Trung vào Nam. Giá bán ngày ấy cho mỗi tô là 2.000 đồng. Một tô mì gõ cơ bản chỉ có vắt mì hoặc hủ tíu, hành lá, hẹ tươi, hành phi.
Giá rẻ, thế nên dù miếng thịt xắt mỏng tang, nhúm hủ tiếu được độn thêm nhiều giá, món ăn vẫn được giới bình dân ưa chuộng bậc nhất. Thợ thuyền đi làm về đói bụng thì ghé ngang làm tô hủ tíu, ăn xong có bình trà đã miễn phí để sẵn. Nằm nhà thấy đói, làm biếng ăn cơm, chỉ chờ tiếng gõ lốc cốc thì gọi, chờ chừng dăm mười phút, tô hủ tiếu đã được mang đến tận nơi. Lười lười, khách chỉ việc đưa tiền trước, ăn xong để cái tô ngoài ngạch cửa, thằng gõ mì cứ thế lấy mang về.
Từ ban đầu chỉ với mấy miếng thịt mỏng, món ăn dần nâng cấp, người bán luộc thêm móng heo, giò heo, tô mì nhích dần lên 5.000 đồng, 7.000 đồng, rồi đứng nguyên ở giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng một tô trong hiện tại.
Không chỉ bán mì và hủ tiếu, nhiều xe còn trang bị cả thịt bằm để làm món mì hoành thánh nếu có khách yêu cầu. Giá một tô hoành thánh gần chục viên cũng chỉ khoảng chục nghìn, tương đương một ổ bánh mình bình dân nhưng dễ nuốt hơn nhờ có nước húp.
Cải xà lách, tí lá húng quế, tí hẹ xanh, hành phi và tóp mỡ đã làm nên vị thơm đặc trưng của tô mì gõ. Người thích ăn béo thì xin thêm tóp mỡ, người ăn kiêng thì dặn chủ xe hủ tiếu không cho thêm vào.
Nồi nước lèo xe hủ tiếu gõ từng và luôn là tâm điểm của dư luận. Nhiều người từng nghi ngờ rằng, do được bán với giá quá rẻ nên nước lèo hủ tiếu gõ không được hầm từ xương heo, mà nấu từ thịt chuột cống hoặc trùng chỉ. Tin đồn từng khiến không ít người e ngại, thế nhưng theo những người nấu hủ tiếu gõ lâu năm ở quận 5, quận 8 hay quận Bình Thạnh, đây chỉ là thông tin thất thiệt.
Thực hư chuyện nước lèo mì gõ vẫn chưa bao giờ rõ ràng, thế nhưng từ nhiều năm nay và cho đến hiện tại, tô mì gõ, hủ tiếu gõ nóng hổi vẫn là sự lựa chọn của nhiều người bình dân khi đói lòng. Sài Gòn ngày nay dọn dẹp vỉa hè, mì gõ không còn bày bán trên phố, thế nhưng vì nhu cầu thực khách và kế mưu sinh, xe mì vẫn tìm cách nép mình trong những con hẻm, chiếc xe đẩy vẫn bốc khói nước lèo và tiếng gõ lốc cốc vẫn còn vang trên nhiều con phố cho đến tận đêm khuya.