Dân Việt

Chậm giải quyết các vụ xâm hại trẻ em: “Cơ quan tố tụng ngại, hay có gì đó...”

Lương Kết 28/03/2017 06:25 GMT+7
“Tôi có cảm giác nhiều nơi cơ quan tố tụng có vẻ ngại hay có gì đó khi giải quyết những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Có những vụ xử lý kéo dài, thậm chí khi các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước chỉ đạo thì việc giải quyết mới có chuyển biến” - TS Phạm Tất Thắng (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.

img

TS Phạm Tất Thắng

Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) mỗi năm trên cả nước xảy ra trên 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, như vậy cứ 8 tiếng lại có một trẻ bị xâm hại, con số này cho thấy sự rất nhức nhối, thưa ông?

- Từ con số thống kê như vậy là có thể nói là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên số vụ phát hiện được thường sẽ ít hơn trong thực tế. Do truyền thống văn hóa phương Đông nên nhiều trường hợp gia đình nạn nhân, con em họ dù bị xâm hại tình dục nhưng lại giấu giếm sự việc. Để tránh làm to chuyện, sợ tai tiếng, nhiều trường hợp tự thỏa thuận, giải quyết với nhau, khiến cơ quan chức năng không rõ.

Nói như vậy để thấy trong thực tế số vụ việc có thể còn lớn hơn thống kê là hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em/năm. Con số như vậy là nghiêm trọng, đáng báo động.

img

Một phiên tòa do TAND tỉnh Nghệ An tổ chức với bị cáo bị truy tố tội “hiếp dâm trẻ em”.  
Ảnh:  LÝ DƯƠNG

Pháp luật hình sự của chúng ta quy định hình phạt rất nghiêm khắc với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên thời gian qua có không ít vụ việc gia đình nạn nhân tố cáo thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhưng việc điều tra, xử lý lại kéo dài. Theo ông, tại sao lại có tình trạng như vậy?

- Đúng là trong xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có yếu tố khó. Theo quy định, khi xử lý tội phạm xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục với trẻ em nói riêng đòi hỏi phải có xác minh về mặt chứng cứ, kết quả giám định. Quá trình để xử lý cũng khá phức tạp như một chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học ở Học viện Cảnh sát Nhân dân đã phân tích: Để xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cái khó nhất là tìm được chứng cứ trực tiếp, buộc tội được tội phạm. Theo nguyên tắc, chúng ta chỉ có thể buộc tội một con người khi có đủ chứng cứ pháp lý, chứng cứ khoa học.

Trong những vụ án xâm hại thì việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, bản thân các cháu còn rất nhỏ, không có kỹ năng để phát hiện, bảo vệ những chứng cứ mà kẻ phạm tội đã thực hiện. Thứ hai, người thân và cha mẹ của các em cũng không có biện pháp, cách thức để bảo vệ cũng như cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra. Ví dụ như một cháu bé bị hiếp dâm hay dâm ô chẳng hạn, nhưng khi về nhà bố mẹ tắm rửa làm một số dấu vết, chứng cứ bị mất đi, một vài ngày sau khi phát hiện mới tố cáo thì nhiều dấu vết, chứng cứ lúc này đã bị xóa.

Bên cạnh đó theo tôi, nhiều khi do gia đình nạn nhân có tâm lý e ngại,  lảng tránh, giấu giếm, không tố cáo đối tượng vi phạm ra trước pháp luật. Có trường hợp thủ phạm sau khi có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, họ biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, phải đối mặt với mức án tù rất cao họ đã chủ động thỏa thuận để đền bù, thậm chí dọa giẫm gia đình nạn nhân trong việc tố cáo.

  Trong những vụ án xâm hại thì việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân các cháu còn rất nhỏ, không có kỹ năng để phát hiện, bảo vệ những chứng cứ mà kẻ phạm tội đã thực hiện. Người thân của các em cũng không có biện pháp, cách thức để bảo vệ cũng như cung cấp chứng cứ cho công an”.

TS Phạm Tất Thắng

Tôi cũng có cảm giác những cơ quan tố tụng có vẻ cũng ngại hay có gì đó khi giải quyết những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Có những vụ xử lý kéo dài, thậm chí khi các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước chỉ đạo việc giải quyết mới có chuyển biến. Nói tóm lại có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan từ hệ thống pháp luật của chúng ta, từ trình tự, thủ tục để xử lý có lẽ cũng phức tạp, chưa thực sự dễ khi triển khai. Trong quá trình xử lý cũng còn các yếu tố khác như mặt tâm lý, mặt xã hội...

Mới đây, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện đề án bố trí, nâng cao năng lực, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp xã để đến năm 2020 tất cả các xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một người làm công tác bảo vệ trẻ em. Ông có đánh giá gì về mục tiêu của đề án này?

- Từ khi giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em và tổ chức lại bộ máy hành chính ở cấp cơ sở, hiện không còn cán bộ chuyên trách về vấn đề trẻ em. Không có cán bộ chuyên trách nên những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em hoặc ngược đãi trẻ em xảy ra ở cấp cơ sở đã không được lên tiếng, can thiệp và xử lý kịp thời. Tôi cho rằng, đề xuất cần có cán bộ phụ trách về bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cấp cơ sở là cần thiết.

Tuy nhiên hiện nay chúng ta có chủ trương tinh giản biên chế, nếu chúng ta tăng về số lượng cán bộ thì khó. Có thể cần phải có cơ chế nào đó, ví dụ như có khoản kinh phí được phân bổ cho ngân sách các cấp cơ sở ổn định hàng năm để làm công tác này. Tiếp đó quy định cho một cán bộ nào đó ở cấp xã, phường kiêm nhiệm công tác này và hưởng phụ cấp...

Xin cảm ơn ông!