Lần sang Bordeaux (Pháp) vào năm 2009, tôi vào một siêu thị người Việt. Ông chủ tên San hay Sang gì đấy biết tôi vừa từ Hà Nội vào thì tìm để trò chuyện. Hóa ra ông người Hà Nội. Ông bảo muốn giúp nước nhà quá mà giúp không xong.
Siêu thị của ông có gần vạn mặt hàng, doanh số hàng triệu euro mỗi tháng, nhưng hầu hết là hàng Thái Lan. Hàng tháng các con ông thay nhau đi Thái Lan lấy hàng và thanh toán. Ông nói hàng nước nhà khi chào bán thì chất lượng hơn hàng Thái, ai cũng thích, nhưng khi chính thức buôn bán thì chất lượng kém dần đi.
Bên này kị nhất là đóng gói thiếu định lượng và chất lượng sụt giảm, không như khi đăng ký. Thành ra sau vài đợt lấy hàng ông đành từ bỏ. Ông dự định về Hà Nội tìm mặt hàng mới và bàn cách làm ăn tử tế. Chợ Tây đâu phải chợ Đồng Xuân!
Không biết chuyến về nước ấy ông có làm nên cơm cháo gì không.
Chúng ta đi với thế giới mà cách làm ăn còn chưa chuyên nghiệp, có khi còn buôn gian bán lận, không ít tư thương, doanh nghiệp sẵn sàng buôn cả hàng độc hại của nước lạ mà trong nước họ còn từ chối.
Ngẫm nghĩ phải chăng do lợi nhuận, phải chăng công nghệ sản xuất trong nước kém...? Câu trả lời là không phải, dù chúng ta còn nghèo, công nghệ còn chưa cao nhưng hàng chục năm nay nước ngoài đưa công nghệ vào mà ta không học được sao?
Nhớ ngày còn bé, nghe mẹ tôi nói chuyện buôn bán có câu cách ngôn: "Khôn ăn người, dại người ăn". Từ những chuyện trên có thể thấy nhiều người đã để cho lòng tham lấn át. Lòng tham làm mờ mắt nên bất chấp tất cả để kiếm tiền.
Quanh đi quanh lại có lẽ không gì bằng lòng trung thực. Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Càng đi ra ngoài càng thấy chỉ có lòng trung thực là bền vững nhất ở đời.
Đỗ Đức