Giá cả sẽ là vấn đề nóng trong phiên chất vấn |
Và không chỉ có giá, nhiều vấn đề khác như tai nạn giao thông, dự án treo... vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Tăng 300%
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu từng trích dẫn thống kê để cho rằng giá thuốc 4 tháng năm 2010 chỉ tăng có 3,1%, trong khi CPI chung của 11 mặt hàng còn lại tăng tới 8,6%. Về vấn đề một số thuốc đặc trị, biệt dược, chuyên khoa sâu... tăng tới 200-300% "là có thật".
Và, Bộ Y tế "đã và đang có những giải pháp rất tích cực". Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, giá thuốc liên tục "nhảy múa", liên tục tăng nóng. Đợt tăng gần đây nhất là từ ngày 10-11 khi hầu hết các cửa hàng thuốc đều đã tăng giá với lý do "tỷ giá".
Một số loại có mức tăng khủng khiếp: Thuốc nhỏ mắt trị đục thủy tinh thể như Vitreolent tăng từ 38.000 đồng/lọ lên 200.000 đồng/lọ. Một số loại có mức tăng tới 300% như tam thất OPC từ 17.000 đồng tăng lên 42.000 đồng...
Nói chung là cả tân dược, đông dược, thuốc nội, thuốc ngoại, kháng sinh, vitamin, biệt dược… đều tăng giá.
Sốt nối tiếp sốt
Ngay trong những ngày đầu tháng 11, cơn sốt giá đường vẫn leo thang khi giá 1kg leo từ 19.000 lên đến 23.000 đồng. Sau rất nhiều năm, ở VN lại tái xuất hiện tượng mua đầu cơ đối với mặt hàng này bất chấp việc Bộ Công Thương có quota cho phép nhập khẩu bổ sung 100 nghìn tấn và lượng đường tồn kho trong nước ước vào khoảng 172 nghìn tấn. Như vậy là chỉ trong 4 tháng, đường đã 2 lần sốt giá dù nhu cầu sử dụng không có gì đột biến.
Đối với các loại hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, cơn sốt giá vàng hôm 9-11 đã tạo ra những cơn sốt lớn. Giá thép trong nước đã tăng trong khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tấn.
Giá phân bón đang tăng từng ngày chẳng khác giá vàng, USD. Có những mặt hàng như urê, UAP đã tăng khoảng 35-40% so với cách đây 2 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều chuyên gia nhận định, giá phân bón sẽ tiếp tục "tăng tốc" chóng mặt. Nếu không sớm có giải pháp khẩn cấp ổn định thị trường thì sự tăng giá này sẽ tỷ lệ thuận với thiệt hại của người dân.
Nhìn nhận những cơn sốt giá liên tiếp trong các tháng qua có nhiều nguyên nhân từ những biến động bất thường trên thị trường thế giới, có nguyên nhân từ tỷ giá, tuy nhiên không thể không nói tới việc tăng giá kiểu té nước theo mưa.
Còn nhớ tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã hứa hoàn thiện cơ sở pháp lý về đăng ký, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và hoàn thiện cơ chế xử phạt trong lĩnh vực này. Theo đánh giá của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính đã thực hiện được một phần lời hứa, trong đó có việc ban hành thông tư quy định tất cả loại hình doanh nghiệp nếu kinh doanh mặt hàng theo quy định sẽ phải đăng ký giá. Tuy nhiên, chế tài xử phạt trong lĩnh vực này hiện mới trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương.
Bế tắc
Sau kỳ họp thứ 7, Nghị định 34 đã được ban hành với mức xử phạt được tăng cao tới 300%, tuy nhiên 2 vấn đề mà nghị định hướng tới là vi phạm giao thông- bao gồm cả tai nạn, và giảm thiểu giao thông trong nội đô các thành phố lớn, hầu như không được cải thiện. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2010, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 10.145 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.395 người và làm bị thương 7.480 người. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn giao thông tăng 10,8%. Bình quân 1 ngày trong 9 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 27 người.
Theo Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã hứa rất nhiều. Ông Dũng đã phát biểu "như người mắc nợ với dân". Tuy nhiên, sau gần nửa năm, nhiều việc đã hứa song chưa hoàn thành. Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện còn 7 hạng mục dở dang; Dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp, 16 cầu trên quốc lộ 1 đều phải để sang năm 2011. Đối với nạn ùn tắc, kẹt xe ở Hà Nội và TP.HCM, các giải pháp của Bộ Giao thông - Vận tải được nhìn nhận đều là các giải pháp được nói đến từ nhiều năm, song việc thực hiện còn nhiều hạn chế.
Anh Đào - Phương Hà