Dân Việt

Ngôi trường đặc biệt dành cho những “cô bé tottochan”

Tùng Anh 28/03/2017 13:19 GMT+7
Không tạo ra những sự khác biệt trong giáo dục, không tạo ra những mẫu hình nhân cách khác biệt truyền thống mà chấp nhận sự khác biệt của từng học sinh – đó là quan điểm giáo dục rất mới từ ngôi trường liên cấp mới được thành lập: Trường Tây Hà Nội (WHS)

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Giảng viên cao cấp ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên Hội đồng giáo dục trường Tây Hà Nội cho biết, bắt nguồn từ câu chuyện “Tottochan cô bé bên cửa sổ”- một tác phẩm văn học cảm động nói về việc lựa chọn môi trường giáo dục cho trẻ. Trong tác phẩm, Tottochan đã bị đuổi ra khỏi trường tiểu học trong ngày đầu tiên đến trường vì quá hiếu động. Sau đó, mẹ đưa em tới trường học mới có tên Tomoe, nơi có một người thầy ngồi nghe em nói suốt bốn tiếng đồng hồ. Nơi đó em được là chính mình, được học kiến thức, học cách sống có trách nhiệm, học cách yêu thương mọi người và tôn trọng sự khác biệt. Cô bé ấy, sau này lớn lên đã trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất nước Nhật và là đại sứ thiện chí của UNICEF.

img

Học sinh trường Tây Hà Nội (ảnh: THN)

“Tây Hà Nội (WHS) sẽ là một trường học mà ở đó học sinh luôn được thầy cô tôn trọng và được tạo cơ hội tối đa để tự do phát huy cá tính và khả năng bẩm sinh. Học sinh đến trường được hưởng niềm vui trong học tập, việc học trở thành một hoạt động tự nguyện, hứng khởi” – ông Hùng nói.

Để làm được điều này, theo ông Hùng, học sinh của trường Tây Hà Nội sẽ được tăng cường học các môn tự chọn, ngoại ngữ, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với các đối tượng học sinh.

“Mục tiêu cuối cùng là trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng học tập, làm việc, tự tin thực hiện những ước mơ hoài bão của mình, hướng tới xây dựng con người có nhân cách, đề cao lòng trung thực, tình yêu thương, tôn trọng sở thích cá tính, phát huy sở trường và khuyến khích nhưng năng lực riêng biệt của học sinh” – Th.s Hoàng Tùng thành viên Hội đồng giáo dục trường cho biết.

Một điều khá đặc biệt khác ở ngôi trường “tottochan” là mỗi học sinh của trường sẽ được dạy để chơi được một nhạc cụ trong suốt quá trình học tập tại trường. Hiện, đàn Pianica là nhạc cụ đầu tiên được đưa vào giảng dạy trong chương trình nghệ thuật của trường này.

Phụ huynh Nguyễn Thị Phương Anh (Cầu Diễn – Hà Nội) cho biết: “Áp lực học tập đối tại các thành phố rất lớn, trẻ con bắt đầu vào tiểu học là cả gia đình phải “chạy đua” với kiến thức. Nhiều đứa trẻ để học giỏi mà không còn thời gian dành cho kỹ năng sống, phát triển sở thích cá nhân. Những ngôi trường có định hướng giáo dục tôn trong sự riêng biệt hiện chưa có nhiều nhưng đó là môi trường giáo dục mọi gia đình và học sinh đều hướng tới trong tương lai”.