Theo ông Quý, sản phẩm của ngành nông nghiệp thành phố chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, nông dân ở TP.HCM cũng dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới vì nơi đây có các trung tâm về kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu cả nước như Trung tâm công nghệ sinh học, Khu nông nghiệp công nghệ cao, các Viện Nghiên cứu nông nghiệp…
Trại nấm của chị Lê Hà Mộng Ngọc - một trong những dự án khởi nghiệp nông nghiệp ở TP.HCM. Ảnh: T.H
Ngoài ra, nền nông nghiệp thành phố đang thực hiện đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, đặt vấn đề giá trị gia tăng lên hàng đầu, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao... Hiện tại, giá trị tạo ra trên 1ha đất của TP.HCM cũng rất lớn, do đó, lợi nhuận mà nông nghiệp mang lại cũng hấp dẫn không kém so với các lĩnh vực khác. “Có những loại cây, con tạo giá trị trên một tỷ đồng/ha mỗi năm. Bình quân 1ha đất nông nghiệp ở TP.HCM hiện tạo ra 400 triệu đồng doanh thu. Nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư tích cực vào các lĩnh vực này” - ông Quý cho hay.
Bên cạnh đó, chủ trương của lãnh đạo TP.HCM là tập trung mạnh trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp. Trong đó, mục tiêu đến 2020 TP.HCM phải có ít nhất 1.500 doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Kế hoạch này phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng thanh niên khởi nghiệp trong lúc lao động ngành này đang bị già hóa.
Theo ông Quý, một trong những khó khăn hiện nay là việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn nhiều bất cập, mà đứng đầu là ngành nông nghiệp. Ngoài ra, việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng trong quá trình hội nhập vô cùng khốc liệt. “Đất sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM đang hẹp dần, nhưng nếu áp dụng được các kiến thức khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật… vào sản xuất thì đất canh tác sẽ không còn là chuyện đáng lo ngại” - ông Quý nhận định.