Dân Việt

XKLĐ ở huyện nghèo hiệu quả thấp: Ngại đi vì lương thấp, nhớ nhà...

Minh Nguyệt 29/03/2017 06:20 GMT+7
Sau 7 năm triển khai chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) huyện nghèo, nhiều địa phương thay da, đổi thịt nhờ có người dân đi lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có không ít địa phương kêu trời vì đào tạo xong lao động lại không hào hứng đi.

Xã tỷ phú nhờ XKLĐ

Ông Đỗ Thanh Dung - Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, Cẩm Thủy, Thanh Hóa cho biết, từ khoảng chục năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã đã phất lên nhờ có người thân đi XKLĐ. Trước đó, trong hội nghị về XKLĐ, ông Dung cho biết, Cẩm Bình vốn là xã nghèo ở miền núi, thuần nông, có 2.353 hộ, 10.864  khẩu nhưng chỉ còn chưa tới 10 hộ nghèo. Hầu hết những gia đình có người đi XKLĐ đều có nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả, con cái có điều kiện học tập tốt.

img

Tỷ lệ lao động ở huyện nghèo thi đỗ tiếng Hàn rất thấp. (Ảnh minh họa: Lao động thi tiếng Hàn tại Hà Nội).  Ảnh: M.N   

Ông Dung cho biết, mỗi năm xã Cẩm Bình có khoảng 400 lượt người đi XKLĐ, cộng dồn từ trước tới nay cả xã đã có hơn 1.100 người đi XKLĐ ở nhiều thị trường trọng điểm, như Nhật, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, Đài Loan... Hàng năm lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về hàng chục tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Chiến – một hộ dân trong xã cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Cuối năm 2004, gia đình tôi được UBND xã tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để vợ đi Đài Loan. Công việc ổn định, hàng tháng vợ tôi đều gửi tiền về. Sau vài năm, vừa trả hết nợ, vừa tích lũy, chúng tôi xây được nhà, mua được xe máy và nhiều đồ dùng cần thiết khác. Tôi đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Theo ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Cẩm Thủy, hiện toàn huyện có hơn 2.000 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Riêng năm 2016 đã đưa được gần 500 người đi XKLĐ, hiện còn 40 lao động đã được tuyển, đang học nghề và học giáo dục định hướng để chuẩn bị xuất cảnh. Năm 2015, lao động từ nước ngoài gửi về qua ngân hàng là gần 5 triệu USD (chưa kể qua các kênh khác), tương đương trên 106 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo có người đi XKLĐ đã thoát nghèo, nhiều hộ kinh tế khá, vươn lên làm giàu.

“Chính quyền địa phương luôn coi hoạt động XKLĐ là một kênh giúp bà con tạo công ăn việc làm thoát nghèo, vì vậy phải lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín về địa phương để tư vấn. Ngoài ra, chúng tôi cũng lựa chọn những thôn làm điểm để triển khai, sau khi thấy hiệu quả mới mở rộng tuyên truyền tư vấn để lao động đi. Khi có trường hợp khúc mắc, gặp rủi ro trong XKLĐ, các doanh nghiệp và ban chỉ đạo XKLĐ huyện bàn bạc để giải quyết” – ông Thông nói.

Lao động ngại xa nhà

Không đạt được thành tích “phất lên trông thấy” nhờ XKLĐ như Thanh Hóa, nhiều địa phương ở Hòa Bình lại đang than trời. Nguyên nhân là đã bỏ ra không ít tiền đào tạo tiếng nước ngoài cho lao động, xong lao động lại không chịu xuất cảnh với lý do không thể xa nhà.

Giữa tháng 3, trong một hội nghị về xóa đói giảm nghèo, ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình cho rằng XKLĐ không chỉ giúp lao động có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu mà còn là cách để lao động tích lũy kinh nghiệm sau khi về nước phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện mỗi năm tỉnh Hòa Bình chi khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện dạy tiếng cho lao động huyện nghèo đi XKLĐ nhưng hiệu quả không cao.

Ông Thủy nêu thực tế: “Nhiều người  có thể chịu khổ nên không cần làm ăn lớn, chỉ cần đủ ăn là được. Chính bởi tâm lý này nên địa phương và doanh nghiệp rất khó vận động họ đi XKLĐ. Kể cả khi lao động học xong nghề, học xong tiếng cũng bỏ dở vì không muốn xa gia đình”.

Một vấn đề khác được cho là trở ngại chính, cản trở hoạt động đi XKLĐ là do trình độ dân trí của người dân còn thấp, chưa quen với môi trường sản xuất tập trung, hiện đại. Vì thế rất ít người có thể đi làm ở những thị trường lớn như Hàn Quốc, hay Nhật Bản. Ví như cuối năm 2016 tỉnh Hòa Bình phối hợp trung tâm đào tạo tiếng Hàn Quốc dạy tiếng cho 100 người lao động nhưng khi kết thúc kỳ thi chỉ có 5 người thi đỗ chứng chỉ để xuất cảnh. Trong khi đó, với một số thị trường dễ tính hơn như Malaysia, Ả rập Xê út, lao động lại chê lương thấp, khôngmuốn đi.

Ngoài một số khó khăn trong vấn đề đào tạo, hay hạn chế về trình độ của lao động tại địa phương, nhiều ý kiến cho biết, có những doanh nghiệp không tuyển được đã phải bỏ thị trường. Cá biệt cũng có doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh nên nói xấu lẫn nhau, làm người lao động mất niềm tin với thị trường XKLĐ.

Ông Trịnh Sỹ Dũng - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, chương trình đưa lao động huyện nghèo đi XKLĐ theo Đề án 71 từ năm 2009 đang gặp rất nhiều khó khăn. Qua một thời gian dài thực hiện, chương trình đã không đạt mục tiêu bởi cả doanh nghiệp và người lao động đều không hào hứng. Sắp tới khi triển khai chương trình tuyển lao động đi Hàn Quốc làm nghề nông, Bộ sẽ có những ưu tiên dành cho người dân ở các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển. Chương trình này sẽ kéo dài thời gian thi chứng chỉ tiếng Hàn Quốc muộn hơn, vào khoảng tháng 8 – 9. Đặc biệt, Nhà nước sẽ vận dụng chính sách để hỗ trợ học phí học tiếng Hàn và có hỗ trợ cho người lao động ở các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là ưu tiên giải quyết đời sống cho lao động nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Thế nhưng, thực chất tôi biết có nhiều lao động nghèo đi XKLĐ về còn nghèo hơn vì về trước hạn, phải gánh thêm khoản nợ ngân hàng. Để hoạt động XKLĐ giúp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân, trước hết địa phương cần có chính sách tư vấn, định hướng cho lao động. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp uy tín vào tư vấn chính sách XKLĐ cho người dân”.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội