Phú Quốc (Kiên Giang) được mệnh danh là đảo ngọc của Việt Nam. Tại đây, những khu resort cao cấp, khách sạn 5 sao mọc lên như nấm. Thế nhưng, chính tại đây, cũng có những con người đang cố gắng bám trụ trên những bãi rác khổng lồ để mưu sinh.
Tại Phú Quốc, rác thải được tập trung thu gom ở hai bãi rác Đồng Tràm (xã Cửa Cạn) và bãi rác ấp 7 (thị trấn An Thới). Đặc biệt tại bãi rác An Thới, có tới hàng chục gia đình nghèo đang chật vật sinh sống bằng công việc nhặt phế liệu.
Trước bãi rác “khổng lồ” đang cao lên từng ngày, con người bỗng trở bên nhỏ bé.
Từ bãi rác, nước bẩn rỉ ra, khói bụi, mùi hôi thối bốc lên suốt ngày đêm, bủa vây cuộc sống của người dân nơi đây. Cứ thế, họ lay lắt sống trong bầu không khí không thể ô nhiễm hơn. Tại đây, cây cối cũng dần chết mục, chỉ còn lại những phận nghèo vẫn cố gắng bám trụ từng ngày.
Rác thải tại đây được xử lý sơ sài bằng cách đốt. Khói từ bãi rác bốc lên nồng nặc, bao trùm cả một khu vực rộng lớn.
Mải miết dùng bồ cào bới từng chiếc vỏ lon, bà Hoan (người dân xã Cửa Cạn, Phú Quốc) chia sẻ, dù biết là ô nhiễm và độc hại nhưng mỗi ngày ra đây bới rác, bà cũng kiếm được hơn 40.000 đồng. Số tiền này giúp bà nuôi sống cả gia đình.
Không riêng bà Hoan, hơn chục gia đình đang ngày ngày đánh đổi sức khoẻ để kiếm miếng ăn trên bãi rác này.
Những vật dụng bị bỏ đi của người khác lại trở thành vật dụng hữu ích đối với người dân sống nhờ bãi rác.
Không có điều kiện như bè bạn, những đứa trẻ nơi đây phải sống chung và làm bạn với rác ngay từ khi còn rất nhỏ.
Bé Tuấn là một trong số đó. Sáng đi học, đến chiều, Tuấn lại cùng mẹ ra bãi rác bới phế liệu kiếm sống.
Tuấn cho biết em vừa bới được một chiếc tất còn nguyên vẹn trong đống rác và nhanh chóng đi vào chân. Rất nhiều lần em đã bị mảnh chai, miếng sắt cứa rách chân trong lúc bới rác.
Không khí và nguồn nước bị ô nhiễm là mối đe dọa lớn cho sức khỏe những phận người từ lớn đến nhỏ mưu sinh tại nơi đây.