Trong clip là hình ảnh các thợ điện dùng nước đã khử ion để vệ sinh lưới điện. Công nghệ lần đầu áp dụng này được đánh giá cao về độ an toàn, không ảnh hưởng đến hoạt động của đường dây 500kV Bắc – Nam thế nhưng với bạn đọc họ lại có nhiều cách nghĩ khác nhau.
“Không biết hiệu quả như thế nào nhưng mấy đứa nhỏ mà xem được clip này rồi nó về nhà chỗ mấy cầu dao điện hay ổ cắm điện có đầy bụi bẩn mà nó dội cho mấy ca nước vào thì ôi thôi xong luôn, quá nguy hiểm bà con ạ!”-một bạn đọc đã thốt lên như vậy khi xem clip này.
Ngay sau đó, một bạn đọc khác tiếp lời: “Công nghệ mới cho phép chúng ta thực hiện những điều không tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể cầm vòi phun nước để tổng vệ sinh cầu chì ổ cắm vào mỗi dịp cuối tuần đâu a”.
Bạn đọc Nguyễn Đức Trọng Quang viết: “Ngày xưa đi học nghe nói nước dẫn điện là do các tạp chất bên trong. Nếu nước được khử hết tạp chất thành nước cất sạch thì không còn khả năng dẫn điện. Nhớ mang máng vậy, chắc đúng”.
Bạn đọc Lê Quang Sáng có vẻ “uyên thâm” hơn giải thích: “Nước dùng để vệ sinh là nước cách điện, tức là nước có điện trở suất cao (hoặc điện dẫn suất thấp). Khi dòng nước này tiếp xúc với nguồn điện sẽ tạo ra dòng điện rò nhỏ hơn 1mA. Nước trước khi bơm để vệ sinh cách điện phải qua xử lý bao gồm quy trình khử ion, lọc bụi bẩn... để đảm bảo cách điện khi bắn vào lưới điện đang mang điện. Trước mỗi lần bắn để vệ sinh, nước phải được đo điện trở cách điện, khi di chuyển từ vị trí công tác này sang vị trí công tác khác, những người thợ phải tiến hành đo lại điện trở cách điện của nước. Đây là điều bắt buộc và quan trọng để đảm bảo an toàn khi bắn nước lên lưới điện đang mang điện”.
Bạn đọc Phạm Công Định thì thủng thẳng: “Nước trong quá thì không dẫn điện. Người ngay thẳng quá lại không ai chơi. Các bác làm gì mà giải thích nhiều, khó hiểu quá”.
Bạn đọc Trung Hiếu tỏ ra sốt ruột: “Mấy bác chém tùm lum không à. Nước phun rửa đường dây chỉ truyền điện xuống khi có hai yếu tố: Trong nước có ion dẫn điện và nước phun lên thành dòng liên tục không ngắt quãng. Vì vậy chỉ cần loại bỏ 2 yếu tố trên là có thể phun nước vào đường dây điện để làm sạch hay chữa cháy mà không cần ngắt điện. Tôi không biết hệ thống trong clip, ảnh này như thế nào nhưng trong chữa cháy điện dùng hệ thống trộn khí nén thì dòng nước sẽ không bị liên tục và có thể chữa bằng nước bình thường thoải mái mà không bị giật”.
Bạn đọc Phạm Văn Hiếu thì cho rằng: “Nói dễ hiểu, nước này đã được khử ion (ion âm, ion dương) ion là chất dẫn điện, khi khử hết ion thì không dẫn điện được nữa. Nếu xem kỹ thì các kỹ sư trước khi phun nước đều phải dùng thiết bị kỹ thuật để đo ion, nếu được thì mới phun được chứ không phải là cứ nước phun vào là được, phun nước vào có chết cả đám”.
Còn theo bạn đọc Cường Bean, những người thực hiện vệ sinh hotline phải có bậc an toàn điện tối thiểu là bậc 4 và được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân, gồm: Bộ quần áo bảo hộ lao động; dây đeo an toàn; mũ bảo hộ, găng tay vải, giày vải, kính bảo hộ; găng tay cách điện 1000V; và ủng cách điện 22 kV. “Bản chất nước không dẫn điện nhưng những tạp chất trong nước thì là tác nhân dẫn điện thí dụ nước tinh khiết-nước cất không dẫn điện. Cái này cấp 3 học rồi”-bạn đọc này viết.
Bạn đọc Anh Trần thì thận trọng hơn: "Trước những sự việc như vậy mình không biết rõ ràng thì lựa chọn im lặng và lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia".
Bàn sang chuyện khác, bạn đọc Huỳnh Quang Lê Huy viết: “Rửa mấy cái đó làm gì ạ?! Nếu tác dụng chỉ cho sạch đẹp thôi thì em nghĩ quá phí tiền ạ!!! Em chỉ cần mấy bác bên ngành điện đừng vẽ ra mấy cái dự án phí phạm (và nhiều "thất thoát") để đừng vì những lý do đó mà tăng tiền điện cho dân nhờ ạ!!!”.
Thực tế, theo các chuyên gia về điện, đây là giải pháp vệ sinh cách điện hotline lưới điện phân phối. Theo cách mới này, các công nhân khi rửa dây, sứ điện sẽ không cần phải ngắt điện, leo lên chùi rửa thủ công mà sẽ phun trực tiếp bằng nước áp lực cao. Nước áp lực cao trước khi đưa vào sử dụng sẽ được diệt hết các ion dẫn điện.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sử dụng nước áp lực cao khi vệ sinh mặc dù tốn kém kinh phí hơn khi làm thủ công nhưng sẽ tiện lợi hơn rất nhiều, đặc biệt các địa bàn sẽ không bị cắt điện khi công nhân vệ sinh lưới điện.
Vệ sinh sứ cách điện bị nhiễm bẩn, nhiễm mặn là công việc thực hiện thường xuyên của nhà đèn. Theo giải pháp truyền thống, trước đây, Công ty phải cắt điện đường dây, sau đó công nhân mới tiến hành lau chùi từng bát sứ với thời gian dài. Cách làm này không chỉ cắt điện của khách hàng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người sử dụng điện mà còn làm tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động.
Khi áp dụng công nghệ vệ sinh hotline, các chuỗi sứ sẽ được vệ sinh bằng nước cách điện bắn rửa với áp lực cao. Áp dụng công nghệ này không chỉ ngăn ngừa việc phóng điện gây sự cố, tăng tuổi thọ cách điện, giảm chi phí vận hành và quan trọng hơn là giảm tối đa thời gian mất điện của khách hàng.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn, nước dùng để vệ sinh sứ là nước cách điện (nước có điện trở suất cao); trước khi bơm để vệ sinh, nước phải qua xử lý khử ion, lọc tất cả các tạp chất cơ học và khi thực hiện vệ sinh phải đo điện trở và điện dẫn của nước... Khi dòng nước này tiếp xúc với nguồn điện sẽ tạo ra dòng điện rò cho phép < 1mA. Người công nhân thực hiện vệ sinh được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cá nhân và thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và có sự giám sát chặt chẽ.
Nguồn clip VNE