Knight Frank: Sau hoành tráng là nợ đồng lần
Tính tới cuối tháng 1 vừa qua, đơn vị tư vấn ngoại Knight Frank Việt Nam đang nợ thuế, phí với cơ quan chức năng lên tới 8,525 tỷ đồng. Vẫn là tổ chức này, Cục Thuế Hà Nội đã chỉ đích danh hồi tháng 1.2016 với mức nợ thuế, phí gần cán mốc 7,5 tỷ đồng (tính tới 31.12.2015).
Sau những thương vụ màu mỡ này, Knight Frank Việt Nam đang ở bên kia sườn dốc phát triển?
Đặt trụ sở tại 40 Phan Bội Châu (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm), Công ty TNHH Knight Frank Việt Nam (sau đây viết tắt là KF) được thành lập ngày 27.11.2009 theo giấy Đăng ký kinh doanh 011 022 000 259 của UBND TP Hà Nội với lĩnh vực hoạt động tư vấn và thẩm định giá, nghiên cứu thị trường, cho thuê BĐS thương mại, cho thuê nhà, bán BĐS, kinh doanh nhà, quản lý BĐS và tài sản…
Cùng với Savills và CBRE, KF từng được biết đến qua một số thương vụ đình đám trên thị trường địa ốc. Tháng 8.2010, KF chính thức ký hợp đồng đại lý cho thuê và tiếp thị độc quyền cho tòa nhà văn phòng hạng A - CharmVit Tower Hà Nội (Chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Hà Nội Plaza – Tập đoàn CharmVit). Thời điểm đó, Knight Frank quảng cáo là công ty tư vấn BĐS tư nhân hàng đầu thế giới, với 207 văn phòng trên 43 quốc gia tại 6 châu lục và tổng doanh thu xếp thứ 8 toàn thế giới.
Tháng 6.2011, KF và Constrexim-HOD (Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Constrexim - thành viên Tổng công ty Constrexim Holdings) ký thỏa thuận hợp tác đại lý tiếp thị và bán hàng độc quyền – theo đó, KF trở thành đại lý bán hàng và tiếp thị độc quyền đối với Dự án Green Park Tower (khu vực Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy). 2 tháng sau, KF quản lý độc quyền khu căn hộ 5 sao The Costa Nha Trang (tổng vốn đầu tư 147 triệu USD do Công ty CP TD làm chủ đầu tư). Năm 2012, KF nhảy vào "xâu xé" quyền cho thuê và quản lý tòa Indochine Plaza... Tình hình vẫn tiếp tục với lác đác thương vụ mà KF nhảy vào với vai trò độc quyền quản lý, khai thác cho thuê hoặc tiếp thị tòa nhà. Nhưng 2 năm nay, KF dần nhạt nhòa và trở nên xám xịt với thông số nợ được công khai (!)
Bêu tên, vô hiệu hóa đơn, DN nào sẽ sợ?
Trong bảng "con nợ" tính từ 2015 tới nay, dễ dàng nhận ra rất nhiều DN khoác trên mình thương hiệu khét tiếng một thời.
Ngoài DN "họ" Coma như Dân Việt mới nhắc trong bài trước, ghi nhận những đứa con của dòng họ Sông Đà, Licogi, Lilama, Vinaconex hay Cienco bị nêu danh với mức nợ hàng chục tỷ đồng.
Từng bị nêu danh nợ đọng kéo dài, rồi vô hiệu hóa đơn, Đô thị Sông Đà cũng gặp đủ tai tiếng ở dự án NƠXH 143 Trần Phú thời gian qua
Đầu tiên, dưới cái bóng Sông Đà: có Công ty CP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (nợ 36,7 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Xây dựng & Phát triển Đô thị Sông Đà (27,89 tỷ đồng) – vốn được biết với nhiều tai tiếng tại dự án NƠXH 143 Trần Phú, Hà Đông. Bên cạnh đó, cũng phải kể tới Công ty CP Sông Đà 12 (21,829 tỷ đồng), Công ty CP Sông Đà 1 (20,9 tỷ đồng), Công ty CP Sông Đà 19 (3 tỷ đồng)...
Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây lắp nền móng, hạ tầng, đầu tư kinh doanh dự án nhà ở, Licogi là một trong những DN chuyên ngành mạnh của Bộ Xây dựng, có mặt trên nhiều công trình trọng điểm của quốc gia. Trong mảng BĐS, Licogi được biết đến với các dự án đã và đang hoàn thành như: KĐT mới cột 5 - cột 8, Khu dân cư đồi T5, KĐT mới nam ga Hạ Long (Quảng Ninh), Khu dân cư Yên Thanh, Uông Bí, Quảng Ninh; KĐT mới Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.... Dẫu vậy, không ít đơn vị có liên quan tới Tổng Licogi lại thể hiện tình trạng nợ nần đáng lo ngại. Cụ thể, Công ty CP Licogi13 – xây dựng và kỹ thuật công trình (nợ 30,2 tỷ đồng) – đơn vị tự quảng cáo là đối tác tin cậy của các chủ đầu tư, nhà thầu chính nước ngoài như KEANGNAM, DOOSAN, SUMITOMO... Tiếp đến, Tổng công ty Licogi – CTCP: Chi nhánh Licogi số 1 (21,3 tỷ đồng); Công ty CP Lắp máy điện nước – Licogi (18,68 tỷ đồng)...
TRACO, một tên tuổi của ngành giao thông, cũng bị dính phốt nợ thuế kéo dài. Đồng thời, dự án tại Triều Khúc đã khiến không ít khách hàng phải lao đao
Còn nhớ, thời gian trước, trong nỗ lực răn đe các con nợ chây ì, cơ quan Thuế đã áp dụng biện pháp vô hiệu hóa đơn VAT của DN liên quan. Điển hình, trường hợp của Coma18 (18/11/2015, bị thông báo cưỡng chế hóa đơn (không còn giá trị sử dụng) theo thời hạn thi hành từ 21.11.2015 tới 20.11.2016) hay TRACO (đứng trong liên danh chủ đầu tư dự án Diamond Blue Triều Khúc). Tuy vậy, chế tài "vô hiệu hóa đơn" cũng không hoàn toàn có sức nặng với DN (!?) – theo cách luận giải của đại diện truyền thông HTLand với PV thời gian trước.
Theo đó, chỉ những đơn vị nào hoạt động sản xuất trực tiếp và bán hàng (phải sử dụng hóa đơn VAT) mới e ngại. Còn với các đầu mối bán hàng BĐS, hay thậm chí chủ đầu tư dự án, thì vẫn "bình chân như vại". Bởi, họ hoàn toàn có thể ủy quyền bán, kinh doanh sản phẩm BĐS cho một đơn vị khác – đương nhiên, họ không cần hóa đơn của chính mình.