Giai đoạn 2011 - 2015, nợ đọng xây dựng NTM trong toàn tỉnh là 230 tỷ đồng. Xảy ra tình trạng này là do nhiều địa phương xây dựng hạ tầng dàn trải, kinh phí đầu tư quá nhiều, trong khi nguồn lực huy động ít.
Tự đầu tư nhiều công trình
Tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), cùng với nguồn ngân sách các cấp hỗ trợ trực tiếp, chính quyền địa phương và nhân dân cũng phải đóng góp để có vốn đối ứng đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân vận động xã, giao thông, thủy lợi... Tuy nhiên, vì cùng lúc xây dựng quá nhiều công trình, nên địa phương này đã phát sinh nợ xây dựng cơ bản (XDCB) hơn 4 tỷ đồng!
Nợ xây dựng nông thôn mới tăng, do xây dựng hạ tầng dàn trải trong khi nguồn huy động không tương ứng.
Đối với huyện Nghĩa Hành, để đảm bảo cho các xã Hành Thịnh, Hành Minh và Hành Thuận về đích đúng lộ trình vào cuối năm 2015, địa phương này đã đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng. Khoản nợ XDCB vì thế cũng xấp xỉ 30 tỷ đồng do phải bố trí vốn đối ứng. Dù biết đây là khoản nợ “hợp lý”, nhưng hiện nay, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý.
Theo đại diện Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh, ngoài vốn đối ứng, nợ xây dựng NTM một phần do chính quyền các địa phương... chủ quan! Giai đoạn 2012 - 2015, Quảng Ngãi được bố trí 300 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng NTM. Chính quyền các địa phương cứ ngỡ, nguồn kinh phí này sẽ tiếp tục được phân bổ trong các năm tiếp theo, nên mặc nhiên đầu tư hàng loạt công trình theo kiểu “làm một thể rồi trả sau”.
... đến chật vật trả nợ
Tại xã Hành Thịnh, nợ xây dựng NTM cũng đã từng trở thành gánh nặng đối với chính quyền và nhân dân. Sau khi đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015, Hành Thịnh đã phải “gánh” 7 tỷ đồng nợ XDCB. Trong đó, xã nợ doanh nghiệp gần 1 tỷ đồng, dân nợ 1 tỷ đồng, còn lại là của huyện. Sau hai năm tập trung huy động nguồn lực, khai thác quỹ đất, Hành Thịnh đã trả nợ dứt điểm cho doanh nghiệp. “Phần huyện còn nợ hơn 5 tỷ đồng vốn đối ứng. Riêng khoản của dân nợ sẽ được trả dần theo phân kỳ đóng góp”, Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Nguyễn Tấn Bảy cho biết.
Trái với Hành Thịnh, xã Nghĩa Hòa hiện còn nợ doanh nghiệp hơn 4 tỷ đồng. Khoản nợ này phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân vận động, giao thông, thủy lợi... Hai năm qua, ngoài các khoản đóng góp của nhân dân và khai thác quỹ đất, Nghĩa Hòa cũng chưa biết tìm đâu ra nguồn để trả nợ cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh, các xã NTM trong tỉnh còn nợ trên 100 tỷ đồng. Nhiều nhất là huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức. Phần lớn khoản nợ đọng phát sinh là do các địa phương phải đối ứng vốn trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình xây dựng NTM. Vì vậy, “địa phương nào càng xây dựng nhiều công trình, hạ tầng giao thông, thủy lợi thì nợ càng nhiều”, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long lý giải.
Nợ cũ chưa dứt điểm, nguy cơ nợ mới phát sinh. Nhất là năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 18 xã về đích NTM nên nguồn vốn đầu tư sẽ rất lớn. Vì vậy, để tránh xảy ra tình trạng nợ đọng, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước sạch, môi trường, giao thông, thủy lợi, trạm y tế..., Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương chủ động đẩy mạnh việc xã hội hóa, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình 30a, 135, bãi ngang ven biển... nhằm giảm áp lực vốn xây dựng NTM.
Tuy nhiên, để nợ đọng không trở thành gánh nặng trong quá trình xây dựng NTM, ngành chức năng cần chấn chỉnh và định hướng công tác quy hoạch phù hợp với yêu cầu thực tế các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các công trình, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí.