Bà T. đi mua rượu về uống. Cảnh tượng này đã quá quen thuộc ở Trà Don, không chỉ bà T. mà rất nhiều phụ nữ khác ở đây nghiện rượu (Ảnh Vietnamnet).
Ra ngõ đụng "thần cồn"
Từ trung tâm huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vào trung tâm xã Trà Don là những con dốc đứng chạy thẳng lên nóc núi. Hơn 10 năm trước khi chưa có đường, người ta phải đi bộ ròng rã mấy ngày trời để vào được các thôn làng của đồng bào Ka Dong.
Chủ tịch xã Trần Vĩnh Thơ ái ngại nói rằng, dân các thôn làng ở đây uống rất nhiều rượu, đặc biệt là phụ nữ. Thứ chất kích thích này tràn qua Trà Don độ chục năm trước, gây ra vô số câu chuyện bi hài.
Nhắc đến các "thần cồn" ở đây, nhiều người nghĩ đến trường hợp chị N. T. L (38 tuổi, thôn 1). Chị L. uống rất nhiều rượu, mặc dù chồng vốn là công an viên nhưng cũng khó lòng ngăn cản. Thôn làng thỉnh thoảng lại nghe tiếng xì xào trong căn nhà họ. Những cuộc cãi vã trong cơn say rượu khiến gia đình có khi chao đảo.
Mới đây, chị L. đi làm về uống rượu say rồi cãi nhau to với chồng. Chị thậm chí còn ‘quậy’ cả với lực lượng công an xã đến tuyên truyền. “Chị ấy có phản ứng nhưng cũng không đến mức gay gắt. Chúng tôi phải tuyên truyền nhiều lắm rồi đó”, Trưởng công an xã Đinh Văn Vượng thở dài.
Nhưng nói về chuyện nghiện rượu ở Trà Don thì phải nhắc đến trường hợp bà N. T. T (thôn 2).
Ông Vượng ví von rằng về đô rượu bà T. đã ở mức ‘sư phụ’, trong khi vị chủ tịch xã phải ngồi nghĩ một lát để nhẩm tính xem cán bộ đã phải bao nhiêu lần về tuyên truyền bà T. cai rượu.
Vợ chồng ông Tới nấu rượu không kịp để bán do nhu cầu quá lớn.
3 năm trước, xã phải mời cả hai vợ chồng bà T. lên ủy ban. Lý do là trong lúc xỉn rượu, bà rượt chồng để ‘tẩn’ vì dám can ngăn không cho uống. Chính quyền phải dàn xếp, tuyên truyền để bà hạn chế.
Ông Thơ kể, có lần chồng bà T. cùng người thân phải lên rẫy trỉa sớm. Bà đi sau vì có nhiệm vụ chuyển bị đồ ăn trưa cho cả nhà. Đến trưa, gia đình đợi mãi không thấy bà đâu.
Sau khi tỏa đi tìm kiếm, họ mới thấy bà nằm ngủ li bì bên suối, trên tay còn cầm bọc rượu uống dở. Hóa ra bà xuống suối lấy nước nấu cơm nhưng đã say xỉn.
Đói nghèo dai dẳng
Chúng tôi tình cờ gặp bà T. đúng lúc bà vừa đi núi trở về. Người phụ nữ nhỏ bé, đen nhẻm khoe rằng một buổi sáng đi hái cây đót về bán lại được 50 ngàn. Vừa nói bà vừa xòe những tờ tiền lẻ ra lòng bàn tay. Căn nhà tuềnh toàng của gia đình bà hầu như chỉ có vài cái nồi và bát đũa là đáng giá.
Nhắc đến câu chuyện uống rượu, bà thật thà nói đã cai bớt, bây giờ không say xỉn, không rượt chồng như trước nữa. “Mỗi ngày chỉ uống khoảng 10 ngàn tiền rượu thôi. Không uống ban ngày nữa, ban đêm uống từ 7h đến 9h”.
Thế nhưng chỉ ít phút sau, từ đầu làng chúng tôi đã thấy bóng bà quay lại, trên tay cầm một bọc rượu vừa mua, miệng nhoẻn cười. Không chỉ mỗi bà T., còn có vài phụ nữ khác nữa cũng vừa đi mua rượu về.
Công việc gần như thường xuyên của lãnh đạo Trà Don là đi vận động từng hộ dân hạn chế uống rượu, chăm lo làm ăn.
Tại thôn 2, trưởng thôn Nguyễn Văn Tới cùng vợ tỏ ra ‘thức thời’ khi lập cơ sở nấu rượu mi ni cung cấp cho cả thôn. Nhờ đó, hai vợ chồng vừa không mất tiền mua rượu hàng ngày lại có thêm thu nhập. “Nhu cầu bà con cao quá, rượu nấu ra không kịp mà bán”, ông Tới lắc đầu.
Trong cái rét tê tái kèm sương mù trên nóc núi, chủ tịch xã Trà Don thở dài rằng, những cơn say triền miên đã khiến đồng bào Ka Dong ở đây lay lắt trong đói nghèo. Có ít gạo cũng đem nấu rượu, có tiền đưa đi mua rượu. Say xỉn không đi làm được, ruộng nương bỏ hoang. Trên 80% các hộ trong xã là đói nghèo.
Lãnh đạo ở đây không cắt nghĩa được lý do đâu mà đồng bào Ka Dong bị cuốn vào vòng xoáy của ma men, nhất là phụ nữ. Ông Thơ nói vùng này mỗi năm có đến gần chục cái tết. Ông cũng nói kể từ khi có đường vào xã, hoạt động giao thương, mua bán dễ dàng, ai muốn mua rượu chỉ cần đi ra khỏi cổng.
“Chừng nào trong đầu bà con mình còn nghĩ đến rượu thì câu chuyện thoát nghèo còn gian nan lắm thay”, ông Thơ lắc đầu nhìn ra đường. Một phụ nữ khác đang xăm xăm đi vào cổng thôn, tay nắm chặt bọc rượu gói trong túi ni lông…