Tham dự cuộc họp còn có ông Dương Chí Dũng – Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ.
Vải thiều Việt Nam chủ yếu được bán để ăn tươi.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu bật thành tựu của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian qua. Trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, từ một nước phải nhập khẩu gạo, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Hiện Việt Nam có 10 nhóm hàng nông sản xuất khẩu mang lại giá trị từ 10 tỷ USD.
Hiện, Việt Nam đã ký 12 FTA song phương và đa phương với một số nước. Nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu tới 150 nước trên thế giới.Về tổ chức sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra khâu yếu nhất là khâu chế biến. Bên cạnh đó việc xây dựng thương hiệu, đấu tranh bảo vệ thị trường còn rất yếu khiến nông nghiệp Việt Nam chưa thể hội nhập thành công.
Tại buổi họp, đại sứ Dương Chí Dũng đã giới thiệu về các công ty sản xuất các dây chuyền chế biến nông sản của Thụy Sỹ. Đây là một quốc gia có sự đầu tư lớn cho nghiên cứu khoa học công nghệ với công nghệ không chỉ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Thụy Sỹ mà còn trong sản xuất nông nghiệp toàn thế giới. Đại sứ Dương Chí Dũng đã gặp gỡ một số tập đoàn lớn tại Thụy Sỹ như Công ty Buhler, Công ty Bucher...và một số tập đoàn bày tỏ mong muốn được đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Ông Dương Chí Dũng đã đề nghị một số công ty Thụy Sỹ hỗ trợ công nghệ chế biến cho nông sản Việt Nam như công nghệ chế biến chè và ứng dụng nghiên cứu về cây dược liệu để đưa một số thành phần có lợi vào sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã nêu lên những vướng mắc trong xuất khẩu nông sản hiện nay. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Đại diện Công ty Nafoods Group cho biết hiện công ty đang đầu tư về công nghệ cao cho cây chanh leo, cụ thể là đầu tư thành lập Viện Nghiên cứu về chanh leo Việt Nam. Công ty đề nghị Bộ NNPTNT thiết lập hàng rào kỹ thuật, bảo hộ cho các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng. Về vấn đề hợp tác với phía Thụy Sỹ, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công ty mong muốn được hỗ trợ đầu tư dây chuyền phân loại đóng gói quả chanh leo tươi nhằm mở của thị trường sang các nước như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bộ NN&PTNT và Đại sứ quán Thụy Sỹ hỗ trợ chuyên gia đào tạo cho đội ngũ cán bộ của Viện Nghiên cứu về chanh leo Việt Nam do Công ty thành lập.
Vải thiều được đóng hộp bảo quản trước khi xuất khẩu
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ NNPTNT sẽ cử Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nghiên cứu các biện pháp bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng như Nafoods Group sao cho phù hợp với các luật thương mại quốc tế, thực hiện giết mổ tập trung gia súc, gia cầm với công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Nhằm gỡ khó cho sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ đặc sản địa phương, ông Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay: “Là địa phương có thế mạnh về cây vải thiều, sản lượng thu hoạch trung bình hàng năm vào khoảng từ 160.000 đến trên 200.000 tấn, trong đó vải sớm khoảng 60.000 tấn, vải muộn trên 100.000 tấn. Tỉnh đang rất muốn đầu tư đưa công nghệ chế biến, bảo quản vào để giúp năng cao chất lượng giá trị sản phẩm cũng như bảo đảm thị trường đầu ra ổn định”.
“Vào vụ vải, trung bình mỗi ngày bà con thu hoạch, tiêu thụ 5 – 6 tấn quả. Trước mắt chúng tôi chỉ cần công nghệ bảo quản 15 ngày sau thu hoạch là người trồng vải trong tỉnh có thể yên tâm về việc tiêu thụ cũng như thu nhập” – ông Linh khẳng định.
Cùng chung ý kiến này, đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết hiện Hưng Yên còn yếu về khâu chế biến và bảo quản nông sản, đặc biệt là đối với quả nhãn, chưa có chế biến sâu bằng công nghệ nano.