Theo PGS Dũng, trẻ chỉ được dùng thuốc khi được bác sĩ khám và chẩn đoán chính xác bệnh.
“Thấy con húng hắng ho, nhiều bà mẹ ngay lập tức cho con uống kháng sinh vì sợ biến chứng viêm phổi. Điều này có đúng hay không?”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sẽ lý giải điều này.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đa số các trường hợp trẻ bị viêm họng không cần dùng kháng sinh. Bởi viêm họng cấp là bệnh rất thường gặp ở trẻ, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm bệnh hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhất.
Theo PGS Dũng, nhiễm khuẩn hô hấp trên hoặc viêm họng cấp với biểu hiện chính là ho và sốt là nhóm bệnh rất thường gặp ở trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus (chiếm 70-80%). Trong đó, chủ yếu là các virus đường hô hấp; kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng.
Bệnh thường tự khỏi sau 3-7 ngày, vì thế cha mẹ không nên cho trẻ dùng kháng sinh trong các trường hợp này. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì dùng thuốc hạ sốt.
Nếu ho nhiều, cha mẹ cho con dùng các loại thuốc ho tây y hoặc đông y như mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh... dùng thuốc long đờm, dùng thuốc co mạch, thuốc kháng histamin, rửa mũi khi bé chảy mũi, tắc mũi.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, việc sử dụng kháng sinh không cần thiết còn làm gia tăng các vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, khi trẻ bị bệnh mà cần phải dùng kháng sinh sẽ rất khó chữa trị. Có trường hợp phải dùng các loại kháng sinh đắt tiền để tiêm và truyền tĩnh mạch nhưng vẫn thất bại.
PGS. Dũng cũng đưa ra một số lời khuyên về việc dùng kháng sinh cho từng trường hợp như: Những trẻ có triệu chứng nhẹ không có các dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng như sốt cao, họng có mủ, sưng đỏ, thở mệt, khó thở, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng, X-quang phổi có tổn thương thì không nên uống kháng sinh.
Trường hợp trẻ bị viêm mũi họng cấp hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cha mẹ không nên dùng kháng sinh. Việc điều trị chủ yếu là giảm các triệu chứng như hạ sốt, ho, sổ mũi và bệnh sẽ tự khỏi sau 3-7 ngày.
“Bệnh hô hấp trên ở trẻ do virus chiếm đa số nên uống kháng sinh không thể cải thiện bệnh mà chỉ làm trẻ mệt thêm. Những trường hợp này dùng kháng sinh có thể làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng lại kháng sinh khiến bệnh nặng thêm”, PGS Dũng nói.
Nếu trẻ có biểu hiện viêm họng, viêm amidan cấp do liên cầu thì cần được điều trị đúng và đủ liều kháng sinh để phòng biến chứng đến tim.
Trong trường hợp trẻ bị viêm tai giữa cấp thì cha mẹ nên điều trị triệu chứng. Sau 2 ngày bệnh không đỡ mới dùng kháng sinh.
Sử dụng kháng sinh hợp lý trong điều trị nhiễm trùng hô hấp cũng là một trong những báo cáo được trình bày tại Hội nghị Nhi khoa Việt-Mỹ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai trong 2 ngày 30-31/3. Hội nghị còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài với các nội dung về hen phế quản, điều trị tim bẩm sinh ở trẻ, dinh dưỡng sơ sinh hợp lý... |