Dân Việt

Đi làm việc tại Đài Loan không mất phí môi giới: LĐ hoài nghi, DN e ngại

Minh Nguyệt 01/04/2017 06:00 GMT+7
Thông tin về việc Bộ LĐTBXH trực tiếp tuyển dụng lao động đi Đài Loan không mất phí môi giới đang được khá nhiều lao động quan tâm. Mặc dù vậy, nhiều lao động tỏ ra hoài nghi, cho rằng không mất phí môi giới thì không thể đi được.

Lao động chưa tin

Tại buổi Đối thoại doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) cách đây không lâu, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan là 186.000 người, cao nhất trong tất cả các thị trường mà Việt Nam đang XKLĐ. 

img

Lao động học tiếng để đi làm việc ở Đài Loan (ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

Ông Diệp cũng thừa nhận, tuy là thị trường tiềm năng nhưng hiện tại thị trường này đang nổi lên hai vấn đề lớn là tình trạng thu phí quá cao so với quy định và tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Trước thực trạng đó, gần đây Bộ LĐTBXH đã ban hành hàng loạt biện pháp nhằm minh bạch thị trường này. “Bên cạnh việc tuyển chọn lao động đi làm việc tại Đài Loan thông qua các doanh nghiệp, bắt đầu từ tháng 3.2017 Bộ LĐTBXH sẽ trực tiếp tham gia tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc tại Đài Loan thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước” – ông Diệp nói.

Với giải pháp này, Bộ LĐTBXH kỳ vọng sẽ phá vỡ sự độc chiếm của các doanh nghiệp trong việc đưa lao động đi làm việc ở Đài Loan và giảm tình trạng thu phí môi giới quá cao ở thị trường này.

Bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, Trung tâm đang thông báo kế hoạch tuyển chọn lao động khán hộ công. Thông tin sẽ được đăng tải trên website của Trung tâm Lao động ngoài nước. Khi có chủ sử dụng đăng ký tuyển lao động, trung tâm sẽ thông báo để người lao động ứng tuyển. “Tinh thần là người lao động đi làm việc qua trung tâm sẽ không phải trả phí môi giới. Lao động chỉ phải trả những chi phí như visa, vé máy bay, phí sinh hoạt cá nhân. Trong điều kiện trung tâm đàm phán được với chủ sử dụng lao động phía Đài Loan, có thể lao động sẽ được đài thọ cả những khoản này” - bà Lan nói.

Ngay sau khi Báo NTNN đăng tải thông tin trên, rất nhiều lao động đã gọi điện hỏi thông tin. Nhiều người trong số đó còn nghi ngại, cho rằng thông tin đi lao động Đài Loan không mất phí là chưa chính xác. Chị Nguyễn Thị Loan (Nam Định) băn khoăn: “Nghe tin thì thấy rất phấn khởi nhưng không biết có phải không, bởi em gái mình mới đi Đài Loan với chi phí hơn 6.000 USD (hơn 130 triệu đồng). Chỉ e là không tiếp cận được với Bộ để tham gia tuyển dụng”.

Thông tin hoàn toàn chính xác

Theo bà Lan, người lao động tham gia tuyển mộ trực tiếp sẽ không mất phí môi giới mà chỉ phải nộp các khoản chi phí như: Chi phí dịch vụ với số tiền tương đương 500 USD/người; chi phí bồi dưỡng kiến thức 532.000 đồng/người, lệ phí visa tương đương 66 USD/người và chi phí đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước 100.000 đồng/người. Ngoài ra, người lao động thực hiện ký quỹ tại ngân hàng theo quy định hiện hành. So với mức phí trước đây, lao động chỉ phải trả một khoản tiền rất nhỏ (khoảng 13 triệu đồng), chưa kể tiền vé máy bay và ký quỹ chống trốn là 100 triệu đồng. Tính tổng chi phí chắc chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng, còn trước kia là hơn 200 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, từ ngày 1.7.2015, Đài Loan đã tăng mức lương cơ bản của người lao động. Lao động hưởng lương theo tháng được điều chỉnh tăng từ 19.273 Đài tệ/tháng lên 20.008 Đài tệ/tháng (tương đương khoảng 14-15 triệu đồng). Mức lương làm theo giờ là 120 Đài tệ/giờ làm việc, tính chung khoảng 19 triệu đồng/tháng.

Trao đổi về thông tin trên, ông Phạm Đỗ Nhật Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn chính xác. Phía đối tác bên Đài Loan cũng rất mong muốn chúng ta làm điều này để quản lý lao động tốt hơn, tránh tình trạng thu phí cao và lao động bỏ trốn. Mặc dù đây là chương trình được kỳ vọng khá nhiều, nhưng theo ông Tân, cần phải có cách thức thực hiện cụ thể. Đặc biệt, cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân về thủ tục, hồ sơ, điều kiện để đi, cũng như cách tiếp cận được với chương trình tuyển trực tiếp của Bộ LĐTBXH mà không cần qua môi giới. “Thực tế, vấn đề phí cao ở thị trường Đài Loan vừa qua là do lao động không trực tiếp đi qua doanh nghiệp. Họ mất nhiều tiền cho môi giới ở địa phương. Còn giờ đi theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đương nhiên họ sẽ không mất vài nghìn USD” – ông Tân nói.

Đồng ý với ông Tân về việc Bộ LĐTBXH thực hiện việc tuyển lao động trực tiếp là tín hiệu vui, nhưng ông Nguyễn Thanh Hòa – chuyên gia lao động cũng tỏ ra lo ngại về việc triển khai. “Bộ thực hiện biện pháp tuyển mộ lao động trực tiếp là không sai, nhưng làm được hay không lại là chuyện khác. Nếu làm được sẽ giảm chi phí cho lao động”- ông Hòa nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Nhật Tân – Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực cho rằng, doanh nghiệp sẽ phải chịu những đợt cạnh tranh khốc liệt hơn từ động thái này của Bộ. Không chỉ chịu sức ép từ quy định áp mức trần về phí đưa lao động đi mà giờ còn phải cạnh tranh cả về chất lượng lẫn tiền phí môi giới với đơn vị dịch vụ công của Bộ.