Năm nay, ở hạng mục Cinéfondation L'Atelier - một hạng mục chính của LHP Cannes - có 2 dự án điện ảnh của Việt Nam tranh tài cùng với 13 dự án điện ảnh của các nhà làm phim trẻ quốc tế.
Hạng mục Cinefondation lần đầu được đưa vào khuôn khổ các sự kiện chính diễn ra tại Cannes hồi năm 1995 và là hạng mục cuối cùng hoàn tất cho danh sách các hạng mục chính của sự kiện. Cinefondation được lập ra để hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo điện ảnh trên khắp thế giới, cổ vũ những nhà làm phim trẻ gia nhập vào nền công nghiệp điện ảnh.
Cinefondation về sau được phân ra thành hai nhánh giải là La Résidence (xuất hiện năm 2000) và L'Atelier (2005). Trong đó, hạng mục L'Atelier thường tuyển chọn 15 dự án phim của các nhà làm phim trẻ, sau đó, ban giám khảo sẽ lựa chọn ra 3 dự án xuất sắc nhất để trao giải.
Khi đến với L'Atelier, các dự án điện ảnh sẽ nhận được những tư vấn chuyên sâu từ các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh và có cơ hội gặp gỡ với những đối tác sản xuất điện ảnh tiềm năng cũng như các nhà đầu tư, các quỹ hỗ trợ điện ảnh…
Trong 186 dự án điện ảnh từng được tham gia tranh giải ở hạng mục L'Atelier từ trước đến nay, có 146 dự án đã được hoàn tất và 14 dự án đang sắp được thực hiện. Vì vậy, tỉ lệ thành công để một dự án điện ảnh đi từ ý tưởng cho tới trở thành hiện thực, sau khi đã đến với Cinéfondation L'Atelier, là rất cao.
“Culi không bao giờ khóc” (Culi Never Cries) - dự án phim dài đầu tay của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân - kể câu chuyện về một phụ nữ Châu Á trung niên trong chuyến hành trình giữa hai thế giới hoàn toàn khác biệt, cô đưa tro cốt của người chồng Tây về nơi quê nhà của anh.
Cảnh trong dự án phim “Vị” (Taste)
“Vị” (Taste) - phim ngắn của đạo diễn trẻ Lê Bảo - đã từng đoạt giải “Dự án triển vọng nhất” tại LHP Quốc tế Singapore 2016. Khi đến với Cannes, Lê Bảo biến dự án phim ngắn của mình thành phim dài. “Vị” kể về một cầu thủ bóng đá người Nigeria phải xoay xở đủ nghề kiếm sống ở TPHCM với hy vọng một ngày nào đó sẽ có được một số tiền, trở về đoàn tụ với gia đình.