Dân Việt

Chim, chó… uy hiếp an toàn bay ở phi trường Tân Sơn Nhất

T.Tuấn 01/04/2017 14:05 GMT+7
Chiều 31.3, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam (HKMN) cho biết, cùng với việc chiếu đèn laser, thả diều thì tình trạng chim bồ câu xâm nhập sân bay, chó xông vào đường băng, cần cẩu cao “chọc trời”... đe dọa an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Cảng vụ HKMN ghi nhận trong vòng ba tháng đầu năm 2017, đơn vị này đã nhiều lần nhận được tin báo phản ánh của phi công các hãng bay, với ít nhất 10 vụ chó xông vào đường băng. Cá biệt có trường hợp cơ trưởng đã bay vòng lại trên trời vì thấy một chú chó xuất hiện, lo ngại mất an toàn.

Cụ thể như chuyến bay số hiệu VN208 đang lăn trên đường E2 thì cơ trưởng giật mình vì thấy chó đang chạy trên đường cất và hạ cánh 25L. Tiếp đó, chuyến bay BL781 của hãng Jetstar từ Sài Gòn đi Hà Nội phải quay lại bến đỗ vì chó chạy ở đầu đường băng CHC 25R.

img

Chim bồ câu đuổi theo máy bay khi hạ cánh (Ảnh: Mạnh Hà)

Nhận được phản ánh, nhân viên Cảng vụ đã sớm có mặt tại hiện trường xua đuổi chó, đồng thời tổ chức tìm các lỗ hổng bờ tường sân bay để kiểm tra, bịt kín.

Nhưng đáng lo ngại nhất là hiện tượng chim bồ câu của nhà dân xung quanh bu bám theo máy bay. Thường vào buổi sáng, một đàn chim khoảng 30 con đậu ở khu vực sân đỗ máy bay. Mỗi lần phi công chuẩn bị cất hoặc hạ cánh, chúng bay theo đậu bên cánh, lượn ngang dọc quanh thân tàu bay.

Một phi công của hãng Vietjet cho biết: “Rất dễ xảy ra va chạm với chim, đặc biệt các ống động cơ lắp hai bên máy bay có thể hút động vật vào trong đó. Nguy cơ dẫn đến tai nạn có thể xảy ra. Đã có trường hợp máy bay bị móp đầu vì va chạm với chim”.

Tình trạng thả diều, chiếu laser gây chói mắt phi công diễn ra lâu nay, thời gian qua đã hạn chế nhưng vẫn còn tồn tại. Một số nhà trên đường Trường Chinh, quận Tân Phú lắp đặt các bồn chứa nước vượt quá độ cao quy định. Khu vực này lại nằm trong “phễu bay” nên đã vi phạm độ cao tĩnh không. Ở quận Gò Vấp, một số nhà dân lại lắp đặt cột ăngten lên trên cao, lúc phi công chuẩn bị cho máy bay hạ cánh cũng lo sợ xảy ra sự cố.

img

Cần quản lý chặt chẽ độ cao công trình nơi có đường bay ngang qua (Ảnh: T.Tuấn)

Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Cảng vụ HKMN đã phối hợp với cơ quan chức năng ba tỉnh thành gồm: TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai để thống nhất một số giải pháp xử lý (vì hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai có một số phường nằm trên trục đường bay ngang qua) và đã trình lên Cục hàng không Việt Nam.

Cục hàng không cũng đang tiếp tục tái đề xuất dự án “đuổi chim trời”, hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng lên Bộ GTVT phê duyệt.