Dân Việt

3 lý do khiến cho phim "Người phán xử" gây sốt mạng xã hội

PV 03/04/2017 06:45 GMT+7
“Người phán xử” là bộ phim truyền hình hiếm hoi của Việt Nam tiến hành thu tiếng đồng bộ, đồng thời cũng là tác phẩm tâm lý tội phạm đầu tiên do VFC sản xuất.

Phát sóng từ ngày 23.3, Người phán xử của bộ ba đạo diễn Mai Hiền - Khải Anh - Danh Dũng là dự án phim truyền hình trọng điểm của VFC trong năm 2017.

Mới lên sóng 3 tập đầu tiên, Người phán xử đã nhận được sự quan tâm của khán giả truyền hình và cư dân mạng. Tên phim cũng là một trong những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên Google, tính đến tối 31.3.

Phim nói về cuộc chiến tranh giành quyền lực trong thế giới ngầm nhiều góc khuất. Ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng đóng) yêu thương gia đình nhưng cũng rất đa mưu túc trí trong làm ăn kinh doanh.

Đặc biệt, trong giới giang hồ, lão được ghi danh là “Người phán xử”, chuyên đứng ra xét xử các mâu thuẫn tranh chấp không thể đưa ra pháp luật của thế giới ngầm.

img

Mới lạ vì tội phạm là nhân vật trung tâm

Người phán xử là bộ phim truyền hình tâm lý tội phạm đầu tiên do Việt Nam sản xuất, thuộc thể loại cảnh sát hình sự.

Lần đầu tiên, nhân vật trung tâm của bộ phim lại là một ông trùm trong giới tội phạm thay vì các nhân vật chính diện như các tác phẩm thông thường.

"Tôi nghĩ khán giả sẽ không thấy phim hoành tráng ở yếu tố hành động mà thấy hấp dẫn ở khía cạnh tâm lý tội phạm.

Đây là phim mà trung tâm là ông trùm xã hội, không phải cảnh sát như thường thấy ở trong loạt phim hình sự trước kia.

Thực tế mô hình ông trùm này chúng ta từng có Năm Cam. Trong quá trình triển khai kịch bản, chúng tôi có đọc lại tư liệu báo chí và bồi đắp lên nhân vật Phan Quân đầy đủ hơn", đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.

Người phán xử là một bộ phim truyền hình chuyển thể từ kịch bản của Israel. Và bản thân kịch bản gốc đã coi tội phạm là nhân vật trung tâm.

Tuy vậy, ở phiên bản gốc, các yếu tố sex, bạo lực, hành động xuất hiện khá nhiều vì văn hóa Do Thái tương đối cởi mở.

Khi về Việt Nam, để phù hợp với văn hóa và thói quen xem phim của người Việt, các nhà biên kịch đã phải thống nhất với nhau để tối giản các cảnh sex, bạo lực.

Thế nhưng, nhiều khán giả vẫn rùng mình với cảnh cắt đứt ngọn tay nhân vật Tuấn, con trai nuôi Phan Quân trong tập 1.

img

Đảm bảo với dàn diễn viên truyền hình "ăn khách"

Người phán xử quy tụ dàn diễn viên truyền hình không thể sáng giá hơn với nhiều gương mặt gạo cội như NSƯT Thanh Quý, NSƯT Hương Dung, NSƯT Trung Anh.

Đặc biệt, là sự góp mặt của NSND Hoàng Dũng (vai Phan Quân), người được cho là "quái kiệt" trong vai phản diện, ông trùm tội phạm.

Ngoài ra, phim còn quy tụ lứa diễn viên sung sức, trong đó có những người được coi là "ngôi sao" của phim truyền hình hiện nay như Hồng Đăng, Việt Anh.

Người phán xử cũng có sự tham gia của gương mặt không chuyên nhưng lại nổi tiếng trong công chúng như nhà thiết kế thời trang Đức Hùng, MC Đan Lê.

Chia sẻ với Zing.vn, đạo diễn Khải Anh khẳng định đó là một dàn diễn viên rất chuyên nghiệp: "Tôi chưa bao giờ phải phàn nàn về chuyện đi muộn của diễn viên dù chỉ 5 phút".

Một dàn diễn viên hùng hậu, có kinh nghiệm diễn xuất luôn đi liền với cá tính và cực đoan trong cách làm nghề. Khải Anh tiết lộ rằng anh và các diễn viên đã có nhiều tranh luận về chuyên môn để có một tác phẩm tốt nhất.

"Khi làm việc với Việt Anh, tôi đặt vấn đề về việc làm thế nào để vai mới của Việt Anh thoát khoải vai Cao Thanh Lâm trong Chạy án.

Nhiều lúc, tôi bảo với Việt Anh rằng diễn như thế này là không đúng với nhân vật trong phim. Hai bên đã tranh luận rất nhiều trước khi tìm ra tiếng nói chung. Anh Hoàng Dũng và Trung Anh cũng vậy", nam đạo diễn nói thêm.

Sau 3 tập đầu, diễn xuất của các diễn viên nhận nhiều phản hồi tích cực. Không quá khi nói rằng Việt Anh đã có một vai diễn xuất thần.

Còn NSND Hoàng Dũng đã toát lên được thần thái của một ông trùm. Bên trong vẻ ngoài điềm tĩnh, thanh cao, nhã nhặn là thủ đoạn, mưu mô và những tính toán.

img

Người phán xử là bộ phim hiếm hoi của VFC tiến hành thu tiếng đồng bộ.

Âm thanh chân thực hơn nhờ thu tiếng đồng bộ

Người phán xử là bộ phim hiếm hoi của VFC tiến hành thu tiếng đồng bộ. Vấn đề muôn thuở của phim truyền hình Việt là lồng tiếng đã được giải quyết.

Âm thanh đến tai khán giả đã chân thực và sinh động hơn. Đây cũng là xu thế chung của phim truyền hình thế giới.

"Tôi đã lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim, với các dạng vai khác nhau. Tôi nghiệm ra một điều, diễn ở phim trường là chủ quan, lồng tiếng là khách quan.

Vai diễn có thể sẽ không đạt chỉ vì khách quan. Chính tôi lồng tiếng cho vai của tôi, nhiều khi còn không khớp chứ chưa nói đến người khác lồng cho mình.

Do vậy, thu âm đồng bộ là một xu thế tốt", NSND Hoàng Dũng nói.

Tuy vậy, không khó để nhận ra khán giả truyền hình Việt vẫn chưa thực sự quen với phim lồng tiếng.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tỏ ra không hài lòng khi trong phim có những tiếng ồn không cần thiết. Nhưng đây là điều khó tránh với phim thu đồng bộ.

Đó là còn chưa kể đến việc, nhà sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc này.

Thêm nữa, dù quy tụ dàn diễn viên hùng hậu với nhiều gương mặt gạo cội và sáng giá, một số diễn viên vẫn lộ đài từ kém, lời thoại ngập ngừng, chưa dứt khoát.

Số khác lại bị ảnh hưởng bởi yếu tố "kịch" khiến khẩu hình phát âm không tự nhiên, người xem có cảm giác diễn viên đang gồng mình để thoại.

Dù còn những thiếu sót, Người phán xử vẫn được khán giả chờ đón từng tập và hứa hẹn sẽ là bộ phim đánh dấu bước chuyển mình của thể loại phim cảnh sát hình sự của Việt Nam.